Sốc: Mang nét đẹp này, bạn có thể mang DNA của loài người khác

Thứ tư, 17 Tháng 5 2023 16:11 (GMT+7)
Một nét đẹp khiến nhiều người tự hào trên khuôn mặt, thậm chí cố gắng phẫu thuật thẩm mỹ để có được, là dấu vết rõ ràng của cuộc hôn nhân khác loài giữa tổ tiên Người Tinh Khôn với một loài người tuyệt chủng.
 
Theo Sci-News, đặc điểm đó chính là chiếc mũi cao.
ATF3, một gien mang đến sống mũi cao hơn có thể là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên khi con người cổ đại thích nghi với khí hậu lạnh hơn sau khi rời châu Phi. Nhưng những người đầu tiên sở hữu đặc điểm này không phải loài Homo sapien (Người Tinh Khôn) chúng ta, mà là người Neanderthals.
 
Sốc: Mang nét đẹp này, bạn có thể mang DNA của loài người khác - Ảnh 1.
Sống mũi cao, thẳng có thể là di sản từ loài người khác - Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY
 
Người Neanderthals là một loài người khác đã tuyệt chủng, cùng thuộc chi Homo (Người) với chúng ta, và có nhiều bằng chứng cho thấy tổ tiên chúng ta đã nảy sinh hôn phối dị chủng với họ. Thế hệ "con lai" được thừa hưởng nhiều di sản đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến vẻ ngoài và sức khỏe và lưu giữ cho đến các thế hệ hiện tại.'
 
Kết quả trên đến từ việc nghiên cứu chi tiết bộ gien và đặc điểm cơ thể của 6.486 người trưởng thành ở khu vực Mỹ Latin.
 
Tiến sĩ Kausstubh Adhikari từ University College London và Đại học Mở của Anh, một trong các tác giả chính, cho biết một số DNA từ tổ tiên khác loài Neanderthals đã ảnh hưởng đến hình dạng khuôn mặt của chúng ta.
 
Tổng cộng 33 vùng gien có liên quan đến hình dạng khuôn mặt đã được xác định, trong đó có ATF3 thể hiện rõ là di sản của loài người cổ Neanderthals.
 
Thừa hưởng gien này, những vị tổ tiên chọn sống ở nơi có khí hậu lạnh của chúng ta sẽ dễ thích nghi với cuộc sống mới hơn, từ đó lưu truyền đặc điểm này cho các thế hệ sau.
 
"Mũi của chúng ta có thể giúp chúng ta điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm không khí mà chúng ta hít vào, nên những chiếc mũi có hình dạng khác nhau có thể phù hợp hơn với những vùng khí hậu khác nhau mà tổ tiên chúng ta từng sống" - tiến sĩ Qing Li từ Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), đồng tác giả, giải thích.
 
Nghiên cứu vừa được công bố trên Communication Biology.
 
 

Bài viết mới nhất của Khoa Học