Các đầm phá trong như pha lê và đồng bằng muối rộng lớn y hệt cảnh quan Sao Hỏa ở sa mạc Puna de Atacama của Argentina đã tạo thành một hệ sinh thái khác lạ, không giống bất cứ thứ gì mà các nhà khoa học từng thấy trên Trái Đất.
Những hồ nước pha lê xen lẫn đồng bằng muối ở Atacama cũng là những gì giới khoa học thường mô tả về Sao Hỏa cổ đại - Ảnh: BRIAN HYNEK
Là một phần của hoang mạc tử thần Atacama trải rộng trên vài nước Nam Mỹ, Puna de Atacama cực kỳ khó sống với môi trường khô cằn, ánh nắng chói chang hơn bất cứ đâu trên hành tinh.
Phần lớn Atacama được coi như "tử địa" của Trái Đất, nơi hầu như các sinh vật thông thường không thể tồn tại, chỉ rải rác vài động thực vật cực đoan nhất.
Các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện "thế giới đã mất" sau khi phát hiện hình ảnh bất thường trên ảnh vệ tinh.
Nhóm thám hiểm dẫn dầu bởi PGS Brian Hynek từ Trường Đại học Colorado Boulder và nhà vi trùng học Maria Farrias, người sáng lập công ty tư vấn môi trường PunaBio, đã có chuyến thực địa tại khu vực.
Họ xác nhận những thứ kỳ dị qua vệ tinh chính là một hệ sinh thái không khác gì thế giới ngoài hành tinh trong phim viễn tưởng.
12 hồ nước nông, trong như pha lê được bao quanh bởi các ngọn núi là nơi họ tìm thấy những "ụ sống" đường kính khoảng 4,6 m, là vi sinh vật màu xanh lá cây xếp lớp.
Chúng có thể là cộng đồng vi khuẩn stromatolite, thứ mà chất bài tiết của chúng đông cứng lại thành các lớp đá.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng thứ quái dị này có thẻ đã tồn tại ở Trái Đất từ khoảng 4 tỉ năm trước, tức từ Liên đại Hỏa thành - giai đoạn hành tinh được mô tả là một quả cầu nóng bỏng.
Nói cách khác, nếu chúng ta muốn hình dung những sinh vật sống đầu tiên hiện diện trên Trái Đất "địa ngục" thời đó và cả Sao Hỏa trước 3 tỉ năm trước - thời kỳ mà NASA tin là có sự sống, thì hãy nhìn vào những gì vừa lộ diện ở Atacama!
Chúng không phải là những sinh vật tồn tại trong điều kiện "phù hợp với sự sống" mà chúng ta hay dùng làm thước đo khi săn lùng sinh vật ngoài hành tinh.
Các ụ sống ngâm mình trong nước cực mặn, có tính axit cao, bị nung nóng bởi bức xạ Mặt Trời thuộc loại khủng khiếp nhất thế giới.
Có 2 loài vi khuẩn chính được xác định trong các ụ sống đó, bao gồm vi khuẩn lam vẫn đang quang hợp mạnh mẽ và các sinh vật đơn bào được gọi là cổ khuẩn.
"Nếu sự sống trên Sao Hỏa hóa thạch thì nó sẽ như thế này. Hiểu được về cộng đồng hiện đại này trên Trái Đất có thể cho chúng ta biết chúng ta nên tìm kiếm những gì trong trầm tích Sao Hỏa" - PGS Hynek giải thích.