Nâng tầm sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL

Thứ năm, 10 Tháng 1 2019 09:05 (GMT+7)

Với mong muốn tiếp sức cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng, truyền thống vùng ĐBSCL, thời gian qua, Câu lạc bộ Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (Mekong SP), trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã hỗ trợ xây dựng, quảng bá cho nhiều sản phẩm truyền thống, bản địa vùng ĐBSCL đến đông đảo người tiêu dùng. Riêng năm 2018, Mekong SP thực hiện xây dựng thương hiệu cho 3 DN trong Câu lạc bộ với các nội dung: Thiết kế và quy chuẩn logo, thiết kế bộ ấn phẩm văn phòng, đăng ký thương hiệu về thông tin thiết kế cho các DN nói trên… Ngoài ra, DN còn được tham gia gian hàng chung của Câu lạc bộ tại Lễ hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam- Nhật Bản lần 4; kết nối giao lưu, đào tạo cho thành viên về truyền thông và thương hiệu, marketing online…

 Theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm MekongSP, những kết quả đạt được nói trên vẫn chưa như kỳ vọng. Câu lạc bộ có 60 DN tham gia làm hội viên chính thức với 3 nhóm ngành hàng chủ lực là: Thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, thêu, đan đát…); thực phẩm (bánh dân gian, thực phẩm chế biến...) và sản phẩm mang tính tự nhiên (gạo, rau củ quả...). Tuy nhiên, đa phần DN của Mekong SP thuộc loại hình DN vừa và nhỏ, năng lực và quy mô sản xuất còn yếu, chưa đủ điều kiện để đáp ứng các đơn hàng lớn và hạn chế trong quảng bá thương hiệu. Chính vì vậy, tại cuộc họp mặt hội viên cuối năm 2018 vừa diễn ra mới đây, vấn đề làm sao để sản phẩm của vùng ĐBSCL đi xa hơn, hiện diện trong các kênh mua sắm hiện đại; phát triển và khẳng định được thương hiệu… tiếp tục được đặt ra.

Theo các chuyên gia, để sản phẩm đặc trưng ĐBSCL đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của dòng sản phẩm này cần gắn kết sản phẩm làng nghề truyền thống với phát triển du lịch. Ông Đoàn Hữu Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Việt Nam (VCG), thành viên Ban cố vấn Mekong SP, chia sẻ: “Thế giới đã chú ý đến tầm quan trọng của kinh tế tài nguyên bản địa. Đây cũng là một xu hướng phát triển nhân văn và bền vững vì tôn trọng những đặc trưng tự nhiên, văn hóa riêng biệt. Đối với lĩnh vực du lịch, tài nguyên bản địa, sản phẩm truyền thống sẽ làm tăng sự thích thú tìm hiểu, khám phá của du khách. Mỗi năm khu vực ĐBSCL đón hàng chục ngàn lượt du khách đến, vì tài nguyên bản địa và sản  phẩm truyền thống. đây là nguồn khách hàng tiềm năng mà thời gian qua các làng nghề truyền thống chưa thật sự chú ý khai thác”. Để có thể phát huy tốt kênh bán hàng này, các cơ sở sản xuất phải chủ động liên kết với các công ty lữ hành để lên chương trình tiếp thị cho điểm đến; xây dựng kênh “tương tác” qua Facebook, YouTube…

Nhiều ý kiến cho rằng, để lấy được tình cảm của người tiêu dùng, sản phẩm đặc trưng ĐBSCL cần phải đạt chất lượng và hoàn thiện về mẫu mã, bao bì. Đặc biệt, tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm vấn đề truyền thông hình ảnh; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của mình. “Đó là việc hình thành lối suy nghĩ khác, đừng sao chép; nên xem việc kết nối, tích hợp, nuôi dưỡng nguồn lực là cách sinh tồn. Ngoài ra, DN, các cơ sở sản xuất cũng phải luôn coi trọng đổi mới sáng tạo, nên là “nguồn mở” để tiếp nhận cái mới và nâng cao kỹ năng để cùng hành động nhất quán, chiến lược…”- ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) đề xuất.

Nguồn: Quế Lim - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế