Làng nghề dệt chiếu, làm thớt tất bật chuẩn bị hàng Tết

Thứ ba, 15 Tháng 1 2019 15:59 (GMT+7)
Còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang “chạy nước rút” để chuẩn bị cho kịp những đơn hàng cuối năm.

Phơi lát, một công đoạn quan trọng giúp chiếu giữ được màu óng ánh và bền hơn

Tết Nguyên đán được xem là dịp “ăn nên làm ra” của bà con làng nghề dệt chiếu truyền thống xã Định Yên và Định An, huyện Lấp Vò. Theo đánh giá của nhiều hộ sản xuất nơi đây, thị trường chiếu năm nay có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ những năm trước. Để kịp chuẩn bị cho những đơn hàng Tết Nguyên đán sắp tới, bà con làng nghề đã tất bật sản xuất từ khoảng 2 tháng trước.

Có mặt ở khu vực làng nghề sản xuất chiếu của xã Định An từ tờ mờ sớm đã cảm nhận được không khí làm việc hối hả của bà con làng nghề. Đàn ông khỏe mạnh thì đảm nhận các công việc nặng nhọc như nhuộm màu cho sợi lát, phơi lát... Những công việc nhẹ nhàng nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn hơn như: chấp trân, dệt... thì do chị em phụ nữ làng nghề đảm nhận. Nhà nhà đều tất bật sản xuất để kịp hàng.

Chị Đào Thị Thúy ngụ xã Định An chia sẻ: “Với bà con làng nghề, ngoài công việc đồng áng thì nghề dệt chiếu truyền thống giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định quanh năm. Vào dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường tăng mạnh nên bà con ở đây ai nấy cũng tranh thủ sản xuất hết công suất. Sản phẩm chiếu năm nay hút hàng từ rất sớm, ngoài những mối lái cũ còn có thêm những mối lái mới đặt hàng. Nhờ hàng bán chạy nên Tết năm nay bà con làng nghề có phần sung túc hơn”.

Theo chia sẻ của bà con làng nghề, giá chiếu năm nay tăng trung bình từ 5 – 10% so với cùng kỳ những năm trước. Cụ thể loại chiếu Con cờ giá dao động từ 150.000 – 160.000 ngàn đồng/chiếc, chiếu Trà niên từ 100.000 – 110.000 ngàn đồng/chiếc.

Những năm gần đây, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nên sản lượng chiếu được cải thiện đáng kể. Trước đây trung bình một lao động chỉ dệt được khoảng 2 chiếc chiếu/ngày thì hiện nay nhờ đầu tư máy móc nên mỗi lao động có thể dệt từ 8 – 9 chiếc chiếu/ ngày, lợi nhuận từ 150 – 200 ngàn đồng/ngày. Nhờ đó mà kinh tế hộ gia đình cũng có nhiều cải thiện so với dệt thủ công như trước đây.

Hiện tại, sản phẩm chiếu của làng nghề dệt chiếu xã Định An không những được ưa chuộng khắp nơi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn có mặt tại nhiều tỉnh thành khu vực miền Đông Nam bộ, TP.HCM và cả Vương quốc Campuchia.

Cách làng chiếu không xa, dọc theo quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Định An, huyện Lấp Vò làng nghề làm thớt cũng đang gấp rút sản xuất cho những đơn hàng cuối năm. Cũng giống như làng nghề dệt chiếu, không khí sản xuất của bà con làng nghề làm thớt cũng hồ hởi và nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường.

Chị Phạm Thị Thúy Muội -Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản xuất thớt gỗ xã Định An cho biết: “Thời gian gần đây, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và không sử dụng hóa chất. Nếu như những năm trước sản phẩm thớt gỗ của bà con trong làng nghề bị các sản phẩm thớt nhựa, thớt công nghiệp cạnh tranh thì thời gian gần đây, người tiêu dùng lại quay về sử dụng các loại thớt gỗ truyền thống nhiều hơn. Đây cũng chính là ưu điểm nổi bật nhất của sản phẩm thớt gỗ Định An”.

Mặc dù thị trường thớt gỗ phục vụ Tết Nguyên đán năm nay sôi động từ rất sớm, nhưng nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu từ đầu năm nên sản phẩm thớt gỗ của làng nghề hầu như không tăng giá, vẫn giữ mức bình ổn như cùng kỳ những năm trước.

Ngoài các sản phẩm thớt gỗ truyền thống, thời gian gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề sản xuất thớt xã Định An cho ra đời thêm sản phẩm đế đỡ điện thoại bằng gỗ. Mặc dù mới xuất hiện gần đây, song sản phẩm này rất được thị trường ưa chuộng, sản phẩm có giá từ 15 – 20 ngàn đồng/cái.

Bà Nguyễn Thị Hồng Yên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Định An cho biết, nhằm giúp chị em trong các làng nghề kết nối và chia sẻ cùng nhau trong quá trình sản xuất, thời gian qua, UBND xã Định An phối hợp cùng các đoàn thể vận động các hộ sản xuất ở làng nghề làm thớt gỗ và làng nghề dệt chiếu vào tổ chức THT. Sau khi vào THT, bà con làng nghề được sinh hoạt trong cùng một tổ chức, từ đó có sự gắn kết hỗ trợ nhau nhiều hơn trong quá trình phát triển nghề.

Những khó khăn tồn tại ở các làng nghề trong nhiều năm nay như bị động về thị trường, bị thương lái ép giá, không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất... từng bước được cải thiện và khắc phục. Nhờ được vay vốn sản xuất nên nhiều hộ sản xuất chủ động được nguồn nguyên liệu, không còn bị tình trạng thương lái ép giá... Ngoài ra, nhờ hợp tác sản xuất nên các THT có được nguồn hàng ổn định với số lượng lớn. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp quy mô lớn ở TP.HCM và Bình Dương cũng đến đặt vấn đề hợp tác với đơn vị.

Nguồn: Mỹ Lý - (baodongthap.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế