Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt

Thứ năm, 24 Tháng 1 2019 16:06 (GMT+7)
Thời gian qua, nâng cao chất lượng và quản lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản tại thành phố và cả nước nói chung còn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân do hầu hết các loại nông sản được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, với các quy trình canh tác khác nhau nên năng suất, chất lượng sản phẩm không đồng đều giữa các nông hộ. Điều này cũng dẫn đến sự quá tải trong quản lý cơ sở sản xuất ban đầu của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát chặt chẽ công đoạn sản xuất và các công đoạn tiếp theo...

Trái cây được thu mua, phân loại tại một vựa thu mua ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Nỗ lực phát triển chuỗi nông sản an toàn

Để giải quyết bất cập trên, các ngành chức năng và địa phương đang tích cực tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các nông hộ nhỏ liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để phát triển sản xuất nông sản chất lượng cao theo quy mô lớn, tập trung trên từng cánh đồng và khu vực sản xuất. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết với các doanh nghiệp, nhà chế biến, tiêu thụ sản phẩm hình thành, phát triển các chuỗi nông sản an toàn từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm qua thành phố thành lập mới 16 HTX, 52 tổ hợp tác, cấp chứng nhận kinh tế trang trại cho 3 hộ. Đến nay, Cần Thơ có 126 HTX nông nghiệp, 1.266 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 23 trang trại và 4 làng nghề được công nhận.

 

Thu hoạch nấm rơm tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Cần Thơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 114.642ha, trong đó gần 84.000ha canh tác lúa, với hệ số sử dụng đất 2,76 lần, hằng năm thành phố gieo trồng khoảng trên dưới 240.000ha lúa,  sản lượng đạt trên dưới 1,4 triệu tấn. Để nâng cao phẩm chất, tăng chất lượng nông sản hàng hóa trước tình hình hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa nông dân với nhau và với doanh nghiệp để phát triển các mô hình sản xuất lúa gạo đặc sản, thơm ngon, chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm qua, thành phố đã duy trì và phát triển các mô hình "cánh đồng lớn" và "cánh đồng lúa sạch" đạt 20.300-25.000 ha/vụ lúa. Thành phố xây dựng được các vùng sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 229ha tại các địa phương, vùng sản xuất hoa kiểng tập trung với diện tích trên 50ha và nhiều vùng sản xuất trái cây tập trung theo hướng an toàn, chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thành phố cũng chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Đến nay, thành phố có 73 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và trên 222,3ha nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BMP, ASC, SQF...

Tiếp tục phát huy

Những kết quả tích cực đã đạt được là tiền đề thuận lợi để Cần Thơ tiếp tục phát huy, nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn gắn với đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nguồn gốc hàng hóa nông sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo niềm tin và nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông sản được sản xuất trong nước.

Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như của Cần Thơ đối mặt với 3 vấn đề lớn là: Quản lý chất lượng, giá cả một số mặt hàng không có sức cạnh tranh, và khả năng xây dựng thương hiệu còn yếu. Giải quyết các vấn đề này gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp của ta có quy mô nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, diện tích sản xuất lúa của Cần Thơ khoảng 240.000 ha/3 vụ trong năm, mỗi vụ ta mới có hơn 20.000ha tham gia cánh đồng lớn là còn thấp, cần tiếp tục được nâng cao. Đây là cốt lõi vấn đề bởi không sản xuất theo quy mô lớn chúng ta không quản lý tốt được về chất lượng và giá thành sản xuất sẽ cao do không đưa được cơ giới hóa vào... Hiện nhiều khâu của quá trình sản xuất lúa và các ngành thủy sản, chăn nuôi còn hạn chế về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất. Do đó, hướng sắp tới phải tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ người dân về vấn đề này. Ngành nông nghiệp đang rất quan tâm phối hợp các sở ngành thành phố để tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước để đổi mới máy móc, công nghệ. Phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm...

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn gốc hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hội nhập, Sở Công thương TP Cần Thơ đang phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố tham mưu, đề xuất UBND thành phố xây dựng đề án "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ". Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ mang lại lợi ích thiết thực, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà chính nhà sản xuất, phân phối sản phẩm cũng được hưởng lợi. Thông qua việc sử dụng công nghệ QR Code lên từng sản phẩm, vòng nhận diện, điện toán đám mây, gắn tem điện tử lên từng sản phẩm... tất cả được kết hợp, điều hành bằng hệ thống phần mềm quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng cập nhật và truy xuất thông tin về sản phẩm...

Với việc quan tâm ứng dụng các công nghệ mới vào quản lý chất lượng nông sản, tới đây người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng tại thành phố có thể thực hiện quản lý, nhận diện và  truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông, thủy sản bằng những chiếc điện thoại thông minh, vốn luôn được nhiều người mang sẵn bên mình. Qua đó, mọi người có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa và ngành chức năng cũng thuận lợi thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý...

Nguồn: Khánh Trung- (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế