Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.
Nhiều triển vọng
CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều nội dung cam kết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mức độ tự do hóa thương mại rất cao khi gỡ bỏ khoảng 95% sắc thuế giao dịch hàng hóa giữa các quốc gia thành viên. CPTPP có sự tham gia của 11 nước thành viên, với thị trường hơn 500 triệu dân, gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Các chuyên gia cho rằng, CPTPP cũng giúp nước ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành khi CPTPP có hiệu lực, qua đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đến nay, có tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, cũng như kết thúc đàm phán và đang đàm phán. Hiện có 11 FTA đã có hiệu lực, gồm: ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), FTA ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN- Nhật Bản, ASEAN-Úc- New Zealand, ASEAN-Ấn Độ, CPTPP và các FTA giữa Việt Nam với Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu. Việc tham gia các FTA giúp mở ra nhiều cơ hội cho Cần Thơ và cả nước nói chung tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng ĐBSCL như: gạo, nông thủy sản, trái cây... Tuy nhiên, các thách thức đặt ra cũng ngày càng lớn, đặc biệt là hàng hóa trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập ngoại ngay trên sân nhà, còn hàng xuất khẩu phải đối mặt nhiều rào cản phi thuế quan do các nước đặt ra. Trong khi đó, sức cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa của nước ta còn hạn chế do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao…
Hiện EU và nhiều nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia... là các thị trường lớn nhập khẩu thủy sản, gạo, trái cây... của Việt Nam. Do vậy, Cần Thơ và vùng ĐBSCL nói chung được đánh giá có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu. Tới đây, khi các dòng thuế tiếp tục giảm sâu hoặc về mức 0% theo lộ trình đã cam kết sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ xuất khẩu chưa có FTA tại các thị trường trên.
Nắm bắt cơ hội
Để có giải pháp chủ động vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội từ hội nhập, Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai đề tài nghiên cứu "Tác động những FTA đối với TP Cần Thơ và giải pháp ứng phó". Vừa qua, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố phối hợp Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo "Tác động những FTA đối với TP Cần Thơ và giải pháp ứng phó" để lấy ý kiến các chuyên gia và đơn vị liên quan làm rõ tính khả thi của các giải pháp từ đề xuất của đề tài. Từ đó, xác định được các giải pháp thiết thực, tham mưu cho thành phố triển khai ngay.
Chủ nhiệm đề tài- ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các FTA không chỉ đơn thuần giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà tác động lên nhiều lĩnh vực khác và thúc đẩy đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật, buộc người dân và doanh nghiệp phải nỗ lực thích ứng. Đặc biệt, khi các dòng thuế xuất nhập khẩu hàng hóa được giảm, nhiều nước lại có xu hướng tăng các rào cản phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần chú ý nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu, lộ trình của các FTA để chủ động vượt qua rào cản và tận dụng tối đa các cơ hội đối với ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh cụ thể của mình.
Để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng thành phố và Trung ương kịp thời hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết về FTA cho người dân, doanh nghiệp theo từng ngành hàng và lĩnh vực cụ thể. Xây dựng và phổ biến cẩm nang và thị trường cần được ưu tiên cho các ngành hàng mà Cần Thơ và vùng ĐBSCL đang có thế mạnh như: gạo, thủy sản, trái cây và nông sản… Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho các nhóm doanh nghiệp để thông tin về các rào cản phi thuế quan và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu trong các FTA thế hệ mới. Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm. Khuyến khích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các địa phương tăng cường liên kết, xây dựng các vùng nguyên liệu sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, giảm xuất thô và quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm cho cả vùng ĐBSCL gắn với thương hiệu của doanh nghiệp và địa phương. Đầu tư cảng, hạ tầng giao thông và phát triển dịch vụ logistics tương xứng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn, đẩy mạnh ứng dụng các máy móc, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thành phố và các tỉnh ĐBSCL, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết với nhau để đảm bảo các yêu cầu về số lượng, chất lượng hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Cần Thơ phải đầu tư phát triển logistics và cần được Trung ương tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện các hạ tầng giao thông, nhất là "khai thông" tuyến đường hàng hải cho tàu trọng tải lớn cặp các cảng ở Cần Thơ để xuất khẩu hàng trực tiếp, không phải trung chuyển hàng lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh, nhằm giảm chi phí.