Cuối năm 2017, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch của Thai Beverage (ThaiBev), thông qua một đơn vị có liên quan tại Việt Nam là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng 53,6% vốn điều lệ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). ThaiBev đã không ngần ngại vay tới gần 5 tỉ USD (khoảng 112.500 tỉ đồng) để thực hiện cho bằng được thương vụ này.
"Thay máu" lãnh đạo
Động thái đầu tiên của tỉ phú Thái khi trở thành cổ đông lớn của Sabeco là gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam sớm cho phép ThaiBev đưa người tham gia điều hành doanh nghiệp. Cuối tháng 4-2018, Sabeco tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung những thành viên HĐQT mới gồm ông Koh Pon Tiong, ông Sunyaluck Chaikajornwat đại diện cho ThaiBev và ông Tan Tiang Hing, Malcolm đại diện của Heineken - đơn vị giữ 10% vốn tại Sabeco. Trong đó, ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore) làm Chủ tịch HĐQT mới của Sabeco, thay thế ông Võ Thanh Hà vừa được miễn nhiệm.
Những khu đất vàng của Sabeco ở TP HCM khiến rất nhiều đại gia trong và ngoài nước ham muốn. Trong ảnh: Khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406 m2, quận 5) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi đó, Ban Tổng Giám đốc cũ của Sabeco vẫn còn, gồm: ông Nguyễn Thành Nam - tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc là Nguyễn Minh An, Nguyễn Hữu Lộc và Lâm Du An. Nhưng chỉ vài ngày sau, HĐQT mới của Sabeco đã có nghị quyết bổ nhiệm 3 phó tổng giám đốc người nước ngoài là ông Neo Gim Siong Bennet, ông Teo Hong Keng và ông Melvyn Ng Huan Ngee. Trong đó, ông Neo Gim Siong Bennet được thực hiện các chức năng của Tổng Giám đốc Sabeco. Còn ông Teo Hong Keng phụ trách các chức năng kế toán, tài chính và ông Melvyn Ng Huan Ngee phụ trách bán hàng.
Khoảng một tháng sau đó, một phó tổng giám đốc của Sabeco là ông Nguyễn Minh An cũng đột nhiên xin nghỉ việc. Đến cuối tháng 7, HĐQT Sabeco tiếp tục ra nghị quyết miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Thành Nam và bổ nhiệm ông Neo Gim Siong Bennet (quốc tịch Singapore) thay thế vị trí này.
Việc thay thế hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Sabeco chỉ trong một thời gian ngắn được ông Koh Pon Tiong lý giải là để thay đổi mô hình quản trị của doanh nghiệp theo những quy tắc của thế giới.
Gần đây nhất, lãnh đạo Sabeco tiếp tục công bố cho nghỉ việc với 19 nhân sự nắm những vị trí quan trọng ở công ty, trong đó có 7 người đang là phó phòng. Sự việc khiến những người quan tâm đến Sabeco bất ngờ và tiếc nuối.
Bất thường trong kinh doanh
Không chỉ thay đổi ban lãnh đạo và các nhân sự chủ chốt, nhiều người còn nhận thấy sự bất thường trong hoạt động kinh doanh của Sabeco khi thị phần, lợi nhuận đều có sự sụt giảm nhất định. Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, năm 2018 Sabeco đạt gần 36.000 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 11%, còn 5.387 tỉ đồng. Thị phần bia của Sabeco cũng liên tục bị đối thủ lấn lướt và ước tính đã giảm xuống dưới 40% trong năm 2018 thay vì 41% của năm 2017.
Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Bia Sài Gòn (Satraco - công ty con của Sabeco) thông báo kết quả chào giá cạnh tranh dịch vụ vận tải đường bộ năm 2019. Theo đó, Satraco chọn Công ty CP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (Sabetran) - một đối tác vận tải lâu năm của Sabeco - thực hiện dịch vụ vận chuyển vận tải đường bộ năm 2019 với sản lượng bị giảm mạnh so với năm 2018 và có dấu hiệu "ép" Sabetran. Cụ thể, Sabetran chỉ được vận chuyển hàng tại các nhà máy trực thuộc Sabeco là Bia Sông Lam, Bia Nghệ An, Bia Hà Tĩnh, Bia Quảng Ngãi, Bia Quy Nhơn, Bia Daklak, Bia Nguyễn Chí Thanh, Bia Củ Chi và kho An Sương, giảm trên 70% so với sản lượng vận chuyển của Sabetran cho Sabeco trong năm 2018, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Sabetran và có nguy cơ làm nhiều lao động của công ty phải nghỉ việc.
Dịp Tết nguyên đán vừa qua, một số đại lý bán bia tại khu vực ĐBSCL khá hoang mang khi Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Hậu (công ty con của Sabeco) bất ngờ đưa ra đề nghị hỗ trợ tiền cho các đại lý bán giảm giá bia Sagota (một nhãn hàng của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây, từng là công ty con của Sabeco). Cụ thể, công ty này muốn các đại lý giảm giá bán bia Sagota Lager ra thị trường thấp hơn giá gốc đến 40.000 đồng/két và yêu cầu không nhập thêm bia Sagota, nhằm giảm sự hiện diện của Sagota trên thị trường. Nếu điểm bán nào chấp nhận, Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Hậu hỗ trợ phần chênh lệch. Giới kinh doanh cho rằng đó là cách loại đối thủ cạnh tranh và thiết lập vị thế độc quyền - một kiểu kinh doanh không lành mạnh, vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam.
Sabeco có gì hấp dẫn?
Theo nhiều chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà vị tỉ phú người Thái chấp nhận trả giá cao cho Sabeco. Ngoài những khoản vay nợ để mua lại cổ phần, Sabeco còn có những điểm đặc biệt hấp dẫn khác. Đầu tiên là hệ thống phân phối. Năm 2018, Sabeco tiêu thụ khoảng 1,8 tỉ lít bia. Năm nay dự kiến tăng lên 1,8-2 tỉ lít bia nhờ mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước.
Sabeco còn có miếng bánh hấp dẫn khác là đất đai, hiện nắm giữ quyền sử dụng 4 khu đất vàng và có diện tích lớn ở TP HCM. Chẳng hạn như khu đất tại 46 Bến Vân Đồn, quận 4 (3.872 m2), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh, quận 5 (17.406 m2), khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 (7.729 m2), khu đất 18/3B Phan Huy Ích, quận Tân Bình (2.216 m2). Đó là chưa kể các công ty con và công ty liên kết khác.
Theo các chuyên gia, từ những sự việc bất thường trên và kinh nghiệm cho thấy việc "chơi" với ThaiBev không đơn giản. Điển hình là thương vụ liên doanh giữa ThaiBev và hãng bia Carlsberg vào đầu thập niên 1990 ở Thái Lan. Theo đó, ThaiBev nhờ vào kinh nghiệm của Carlsberg đã xây dựng thành công thương hiệu bia cho riêng mình, cạnh tranh trực tiếp với bia Singha ở Thái Lan. Đến năm 2005, hãng bia từ Đan Mạch đã phải trả cho ThaiBev 120 triệu USD để chấm dứt mối quan hệ kinh doanh, sau nhiều năm kiện tụng.
Từ thực tế đó, có ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý cần xem xét, xây dựng lại cơ sở pháp lý hậu cổ phần hóa, hậu bán thương hiệu phù hợp với thực tiễn thị trường để bảo vệ người lao động, tránh tình trạng doanh nghiệp Việt bị nước ngoài thao túng, chèn ép; thương hiệu Việt mất chỗ đứng trên thương trường...