"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh dự kiến "đến năm 2020, Hùng Vương sẽ quay về đỉnh của ngành thủy sản Việt Nam" (Ảnh: IT)
Thực tế, quan sát báo cáo tài chính của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh thời gian gần đây, có thể thấy việc có lãi của HVG một phần nhờ vào việc mạnh tay bán tài sản hơn là dựa vào kinh doanh cốt lõi. Chẳng hạn theo báo cáo tài chính được công bố, lũy kế toàn niên độ 2017 - 2018, doanh thu thuần của HVG chỉ đạt 8.105 tỷ đồng, giảm 47,8% so với niên độ 2016 - 2017 (đạt 15.515 tỷ đồng), nhưng nhờ lợi nhuận tài chính, lợi nhuận khác tăng vọt, trong khi các chi phí được tiết giảm đã giúp Hùng Vương có lãi trước thuế 104,3 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 16,2 tỷ và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt… 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu xem xét các thương vụ trong năm 2018, thì Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đã có được gần 1.500 tỷ đồng nhờ vào thoái vốn Công ty Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (861 tỷ đồng) và bán 2 kho lạnh (151 tỷ đồng); thoái vốn Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (100%), thu 487 tỷ đồng; Thanh lý bất động sản tại công ty con ở lô đất 765 Hồng Bàng, TP.HCM, với giá 375 tỷ đồng,…
Dài cổ chờ POR14 và lời hứa của “vua cá tra”
Tại Đại hội cổ đông mới đây, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG), cho biết đang chờ kết quả của POR14 với tin tưởng: “80% dự đoán lượng cá tra của Hùng Vương xuất sang Mỹ có thể được hưởng thuế suất 0% hoặc dưới 20 UScent/kg. 20% kết quả còn lại phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị giữa hai nước”.
Đồng thời, ông Minh còn tự tin: "Tại Hùng Vương không có từ “phá sản” và không có từ “không cân đối được”; đến năm 2020, Hùng Vương sẽ quay về đỉnh của ngành thủy sản Việt Nam”.
Vì sao “vua cá tra” Dương Ngọc Minh tự tin như thế?
Theo chia sẻ của ông Minh với cổ đông, thời gian qua HVG đã chuẩn bị cật lực các tài liệu cho POR14 với hơn 62.000 trang, có thời điểm có tới 300 người (5 luật sư, 4 công ty kiểm toán, 1 công ty phân tích tài chính lớn nhất ở Mỹ…) cùng chuẩn bị hồ sơ... Tổng chi phí cho đợt chuẩn bị này đã lên tới gần 2 triệu USD.
Theo chia sẻ của “vua cá tra”, nếu POR14 thông qua cho phép HVG được hưởng thuế suất 0% hoặc dưới 20 UScent/kg, thì Hùng Vương sẽ có 3 dấu ấn đáng chú ý: Thứ nhất, doanh thu xuất khẩu cá tra của HVG sẽ đạt trên 300 triệu USD, góp phần đưa tổng doanh thu của công ty lên con số 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong năm nay; Thứ hai, Hùng Vương sẽ mua lại 38% cổ phần Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng mà Công ty đã bán cho Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp - VINECO (một công ty con của Tập đoàn Vingroup) và Thứ ba, thay vì tiếp tục kiêm chức Chủ tịch/Tổng giám đốc, ông Dương Ngọc Minh sẽ rời bộ máy quản trị Hùng Vương từ năm 2021.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019, Hùng Vương tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh cá với doanh số 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng. Riêng mảng thức ăn thủy sản có kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận 180 tỷ đồng… |
Nếu đạt được thuế suất như kỳ vọng, ông Dương Ngọc Minh cho biết sẽ trực tiếp gặp người đứng đầu Vingroup vào đầu năm 2020 để đàm phán mua lại số cổ phần Việt Thắng đã chuyển nhượng theo thỏa thuận ban đầu đề ra. Theo lời ông Minh, ông chỉ trả lại tiền cho Vingroup và chỉ tính theo lãi suất ngân hàng… - Có vẻ như thỏa thuận ban đầu giữa VINECO và HVG chỉ là Vingroup đang hỗ trợ cho “vua cá tra” cân đối tài chính bằng chính số cổ phần Việt Thắng được xem như tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, nếu thuế suất đạt được kỳ vọng tại POR14, Hùng Vương sẽ thực hiện những hứa hẹn với các cổ đông trước đó, trước mắt là mức cổ tức “tối thiểu 20%” cho năm 2020.
Điểm sáng năm 2019 và những nỗi lo…
Theo báo cáo hợp nhất quý I.2019 (1.10 - 31.12.2018), dù Hùng Vương có doanh thu sụt giảm phân nửa so với cùng kỳ năm trước (còn 1.345 tỷ đồng), nhưng kết quả kinh doanh lại khá khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 22 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 21,5 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, trong 2 quý vừa qua, HVG đã tiết giảm rất mạnh các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp; cùng theo đó là việc công ty cơ cấu nợ đã giúp giảm áp lực lãi vay; tập trung mạnh vào mảng thủy sản và gia công để cải thiện biên lợi nhuận.
Dù vậy, gánh nợ tài chính vẫn là nỗi lo lớn của HVG. Tính đến hết quý I.2019 (1.10 - 31.12.2018), nợ phải trả của Hùng Vương là 6.440 tỷ đồng, so với đầu niên độ thì nợ phải trả của HVG giảm đến 43%, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 6.298 tỷ đồng. Các khoản vay nợ ngắn hạn, dài hạn lần lượt là 3.124 tỷ đồng và 135 tỷ đồng, tương ứng giảm 56% và 80% so đầu kỳ. Chính vì các khoản vay nợ vẫn còn rất cao khiến Hùng Vương phải tốn khoản chi phí lãi vay không nhỏ.
Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1.2019 của HVG
Cụ thể, riêng niên độ 2017-2018, chi phí lãi vay của HVG lên đến 350,6 tỷ đồng, vượt quá lợi nhuận gộp mà hoạt động kinh doanh mang lại (339,2 tỷ đồng).
Việc Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh phải vay nợ nhiều được đánh giá xuất phát từ nguyên nhân một lượng lớn vốn bị khách hàng chiếm dụng. Tính đến quý 4.2018 (hết ngày 30.9.2018), Công ty đang có khoản phải thu 3.964 tỷ đồng, tương đương 47% tổng tài sản, chủ yếu là các khoản phải thu từ khách hàng (86,2%). Chính các khoản phải thu này khiến HVG phải tăng chi phí tài chính khi buộc phải vay nợ bổ sung vốn lưu động, đồng thời cũng đối mặt với rủi ro mất mát tài sản là rất lớn.
Đặc biệt, để phòng ngừa rủi ro với các khoản phải thu này, HVG phải trích lập dự phòng rất lớn với con số 566 tỷ đồng (niên độ 2016-2017); 64 tỷ đồng (niên độ 2017-2018, khiến "vua cá tra" luôn lâm vào cảnh thua lỗ. Chưa kể, tính đến cuối niên độ 2017-2018, số dư tiền và tương đương tiền của Hùng Vương là 407,6 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng tài sản và 13,9% tổng nợ ngắn hạn. Chính lượng tiền mặt quá thấp này khiến việc thu xếp nguồn vốn để vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh, vừa đáo hạn các khoản nợ vay,… là khó khăn không nhỏ với “vua cá tra”.
Trên thị trường chứng khoán, hiện giá cổ phiếu HVG đang ở mức 6.540 đồng/CP, tăng khoảng 40% so với thời điểm đầu năm 2019 (phiên 2.1.2019, cổ phiếu HVG ở mức giá 4.670 đồng/CP).
Quốc Hải - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)