Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tìm hiểu việc thu mua lúa, gạo tại Tổng Công ty lương thực miền Bắc
Chủ động nguồn vốn vay cho nông nghiệp - nông thôn
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm 50% tổng sản lượng gạo và 90% tổng sản lượng xuất khẩu gạo toàn quốc. Nhận thức được tầm quan trọng này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chú trọng điều hành chính sách tiền tệ và chỉ đạo hệ thống tài chính tín dụng tập trung cung ứng vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo.
Theo NHNN Việt Nam, đến ngày 31/1/2019, dư nợ tín dụng của khu vực ĐBSCL đạt khoảng 582 ngàn tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ. Riêng đối với ngành lúa gạo, đến cuối tháng 1/2019, dư nợ đạt khoảng 100 ngàn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ trồng, sản xuất lúa khoảng 23 ngàn tỷ; dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo khoảng 63 ngàn tỷ; dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo khoảng 14 ngàn tỷ. Trong dư nợ lúa gạo thì chủ yếu là dư nợ ngắn hạn khoảng 85 ngàn tỷ đồng, còn lại 15 ngàn tỷ đồng là trung, dài hạn.
Là ngân hàng có thâm niên trong hỗ trợ nguồn vốn vay cho nông nghiệp nông thôn, từ lâu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam luôn quan tâm triển khai các nguồn vốn vay cho các DN, tư thương. Trong đó, tại khu vực ĐBSCL, tính đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay của đơn vị đạt 50 ngàn tỷ đồng. Ngoài việc áp dụng mức lãi suất thống nhất là 6%/năm, đơn vị cũng đang kết hợp nhiều chính sách ưu đãi khác đối với các DN lúa gạo...
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cho biết: “Trước những khó khăn của DN, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến từng hệ thống áp dụng các phương thức cho vay, tăng hiệu quả cho vay từng đối tượng. Trong đó phải cân đối tốt nguồn vốn vay của khu vực ĐBSCL để thực hiện tốt việc thu mua lúa gạo”.
Ông Đoàn Hữu Thảo - Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động trong việc hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay. Trong đó, có 35 khách hàng là DN hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo với dư nợ khoảng 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị gặp khó khăn do vốn huy động tại chỗ thấp, phải nhờ điều phối từ Hội sở. Cùng với đó, tài sản thế chấp của một số DN, cá nhân thấp nên cũng ảnh hưởng đến việc cho vay vốn...”.
Theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc NHNN Việt Nam, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tập trung các giải pháp trọng điểm chính. Trong đó, NHNN chủ động, linh hoạt phối hợp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và giá trị VND. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để tổ chức tín dụng cân đối vốn, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và xuất khẩu lúa, gạo. Bên cạnh đó, điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất khẩu gạo...
Nhiều giải pháp hỗ trợ về vốn cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
Thời gian qua, ngành ngân hàng luôn chú trọng quan tâm và có nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ giúp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN, thương nhân, người sản xuất lúa, nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Cơ chế, chính sách cho vay nói chung và cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo thường xuyên được Chính phủ và NHNN quan tâm hoàn thiện, bổ sung phù hợp với hệ thống pháp luật chung, chủ trương cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò tiếp lửa cho doanh nghiệp thu mua lúa, gạo
Theo NHNN Việt Nam, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay... nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho DN và người dân. Hệ thống ngân hàng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, trong đó có ngành lúa gạo.
Theo ông Đỗ Minh Toàn - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Á Châu, những năm qua, đơn vị rút ra bài học lớn về vấn đề kỳ hạn cho vay. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu việc hỗ trợ lãi suất cho các DN liên quan đến nông nghiệp, nông thôn kỳ hạn vay dài hơn 1 mùa vụ để giảm tải áp lực trả nợ; điều này cũng nhằm gia tăng cơ hội dự trữ lúa gạo trong các thời điểm giá cả xuống thấp như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam thông tin, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tín dụng. Trong đó, tiếp tục đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân, DN. Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của tổ chức tín dụng về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo...
Tại hội nghị ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực ĐBSCL được tổ chức tại TP.Cao Lãnh vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là các ngân hàng thương mại cần xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo cho người nông dân trong vụ đông xuân 2018 - 2019. Thời gian tới, ngành ngân hàng cần tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến lúa, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, phải chú trọng cải tiến quy trình thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng...