Mảng bán lẻ trực tuyến trong nước chỉ còn lại Adayroi.com (Vingroup) và một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) quy mô cực nhỏ như Muabannhanh.com, 5giay.vn, Chodientu.vn... Trước đó, trang TMĐT Beyeu.com, Lingo.vn. Deca.vn…: nối gót nhau đóng cửa với bài học để lại đầu tư TMĐT nghĩa là "đốt" rất nhiều tiền, nếu không đủ lực thì tất yếu thất bại.
Thanh nam châm hút vốn ngoại
Chính bởi lý do trên mà những sàn bán lẻ trực tuyến còn trụ lại là những sàn có khả năng lớn gọi dòng vốn ngoại. Năm 2018, thị trường chứng kiến dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản hối hả đổ vào "mặt trận" bán lẻ online Việt Nam. Với quy mô thị trường dự báo 7,5 tỉ USD vào năm 2025 và tốc độ tăng trưởng 35%/năm, không khó lý giải vì sao xu hướng này diễn ra "hối hả".
Bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam đang thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH
SEA - công ty mẹ của Shopee - đã không tiếc tiền khi rót cho sàn TMĐT này thêm hơn 50 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho sàn bán lẻ online này vươn lên ngôi vương trong bảng xếp hạng các trang TMĐT tại Việt Nam năm qua. Mạnh tay hơn, Alibaba của ông chủ Jack Ma người Trung Quốc đổ vào Lazada 1 tỉ USD, chính thức bước chân vào thị trường Đông Nam Á. Tiki cũng nhận được 44 triệu USD vốn Trung Quốc của Tập đoàn JD, ngoài ra còn có 122 tỉ đồng của Công ty CP VNG. Sendo của FPT nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ một tập đoàn tài chính Nhật Bản và nhiều công ty từ các quốc gia khác.
Theo chuyên gia thương hiệu - thị trường Lại Tiến Mạnh, TMĐT với bản chất là kinh doanh xuyên biên giới trên nền tảng công nghệ và đặt trong tiến trình toàn cầu hóa sẽ hình thành nên những nhà đầu tư quy mô toàn cầu ở mảng này. Doanh nghiệp (DN) phải có vốn cực lớn, nền tảng công nghệ vững chắc để đầu tư dài hạn, kết nối được với thị trường quốc tế thì mới đáp ứng được đòi hỏi của lĩnh vực chuyên biệt như bán lẻ trực tuyến. Trong khi đó, DN Việt Nam không dễ đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là nguồn vốn, nhất là khi bán lẻ trực tuyến đang ở giai đoạn đua nhau đốt tiền giành thị phần.
"Xu hướng của thế giới là một vài ông lớn có quy mô toàn cầu sẽ thống lĩnh toàn bộ thị trường TMĐT. Miếng bánh thị trường của nhiều nước sẽ rơi vào tay các "cá mập" chứ không phải tình trạng của riêng Việt Nam" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhận định.
Trở lại câu chuyện gọi vốn ngoại. Đúng là không phải nhà đầu tư nào, dù nội hay ngoại, cũng có đủ nguồn lực tài chính để "đốt" vào cuộc đua khuyến mãi khủng, nâng cấp đường truyền, đầu tư giao diện, tranh giành khách hàng. Việc gọi vốn như những trường hợp kể trên cho thấy DN đã cạn tiền nhưng cũng cho thấy DN phải thể hiện được tiềm năng nhất định thì mới câu kéo được nhà đầu tư. "Điều này đa phần DN nội với quy mô cực nhỏ, nền tảng công nghệ hạn chế, đã không thể làm được" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhận xét và cho rằng DN Việt không có cơ hội trong mảnh đất TMĐT vốn được sinh ra cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Sàn nội đi vào ngách hẹp
Trong cuộc chiến này, con đường dành cho DN nội chỉ là những ngách cực nhỏ mà các đại gia không "sờ" đến. Ông Trương Võ Tuấn, sáng lập viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mua bán nhanh (chủ sàn Muabannhanh.com), thừa nhận kinh doanh TMĐT phải chấp nhận lỗ lớn trong một thời gian dài. Do đó, DN nội với vốn mỏng sẽ không thể chịu lỗ được dài, dẫn đến không ít sàn dù ra đời sớm nhưng đều chết yểu. Số ít còn lại chật vật đi theo những ngách rất nhỏ để tồn tại. "Chúng tôi tập trung vào những nhánh sản phẩm mà các sàn lớn không quan tâm kinh doanh, như ôtô cũ, xe tải cũ, nhà bán lại hoặc nhà dự án. Nếu không đi cách này mà đổ xô vào các mảng ưu thế của sàn bán lẻ lớn như sản phẩm công nghệ, gia dụng, quà tặng… thì chắc chắn thua" - ông chủ Muabannhanh.com chia sẻ.
Muabannhanh.com mới đây hào hứng công bố chiến lược tách riêng mảng xe, bất động sản ra thành 2 trang TMĐT chuyên biệt nhằm chuyên môn hóa sản phẩm. Tuy vậy, doanh thu của sàn này hiện vẫn loanh quanh ngưỡng 7-8 tỉ đồng/năm, chứng tỏ quy mô quá nhỏ bé. Sàn này cũng chưa hề có lợi nhuận, dù đã ra đời và hoạt động được gần 5 năm, bởi vẫn phải tiếp tục đầu tư thêm về đường truyền, nhân sự và cải thiện tiện ích.
Hướng tới phân khúc riêng cũng là cách làm của sàn TMĐT 5giay.vn. Ông Lưu Thanh Phương, chủ sàn này, nhìn nhận do sự cạnh tranh quá khốc liệt của TMĐT hiện đại, 5giay.vn phải hướng tới phân khúc khách hàng là người lớn tuổi, có nhu cầu mua và xem tận mắt món hàng cũ sau khi đã tham khảo sơ lược trên trang điện tử. Bởi vậy, dù vẫn có khách hàng riêng song không đáng kể. Kết quả, theo ông Phương, sàn này nhiều năm qua đã chịu cảnh không có lợi nhuận, thậm chí lỗ nhưng vẫn tồn tại bởi "sở thích" của người kinh doanh.
Các chuyên gia đánh giá TMĐT Việt hoạt động thiếu hiệu quả vì bên cạnh việc thiếu vốn, còn thiếu ý tưởng và chiến lược cạnh tranh, trong khi đây đều là những lợi thế của DN ngoại. Do đã bị bỏ lại quá xa, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho DN trong nước vẫn khó có thể giúp họ từng bước giành lại thị phần béo bở.
Làm gì để không phí cơ hội?
Tuy vậy, theo chuyên gia Lại Tiến Mạnh, vẫn còn cơ hội cho DN nội khi chen chân vào những khâu liên quan hoặc "ăn theo" TMĐT. Trong đó, thanh toán điện tử và giao hàng là 2 mảng thị trường lớn dành cho DN Việt. "TMĐT nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên thế giới sẽ nắm giữ nhiều hơn chúng ta. Ngay mảng giao hàng đang còn dư địa lớn nhưng nếu không nhanh tay, DN nội cũng sẽ mất trắng khi Grab, Goviet đang chiếm lĩnh phần lớn, chưa kể các sàn Lazada, Shopee… cũng tự xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp cho mình" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh cảnh báo.
Ngoài ra, làn sóng đại gia TMĐT thế giới ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam và nhiệt tình hỗ trợ DN tăng cường năng lực xuất khẩu trực tuyến, như Amazon, cũng sẽ là cơ hội cho DN nhỏ đưa hàng sang nước ngoài. "Đã là xu thế của thế giới thì chúng ta không chống lại được mà chỉ nương vào họ mà sống, tìm kiếm cơ hội phù hợp với sức của mình" - ông Lại Tiến Mạnh lưu ý thêm.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng không nên phân biệt DN nội hay DN ngoại kinh doanh TMĐT mà nên nhìn ở góc độ các DN TMĐT hoạt động tại Việt Nam đem lại những giá trị gì. "Nếu DN ngoại hoạt động hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động Việt, tạo ra môi trường TMĐT đủ tốt cho người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi, đóng thuế cho nhà nước thì không có lý do gì không ủng hộ họ. Khi xây dựng chính sách cũng phải hướng tới tạo điều kiện bình đẳng cho mọi DN, không thể đòi hỏi chính sách riêng cho DN nội bởi như thế là đi ngược lại thị trường" - ông Bình nêu quan điểm.
Song, Phó Chủ tịch VECOM cũng góp ý rằng cần chính sách hỗ trợ DN TMĐT Việt Nam cạnh tranh với các DN TMĐT nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam, tận dụng thị trường Việt Nam nhưng không đóng thuế cho nhà nước, không mang lại giá trị cho xã hội. "DN Việt thực ra có thế mạnh rất lớn là am hiểu thị trường, chi phí vận hành thấp. Đã có nhiều DN của người Việt chiến thắng trên thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam như Sendo, Tiki trước khi được bơm vốn ngoại. Nếu được hỗ trợ thêm chính sách, tôi nghĩ DN Việt vẫn còn cơ hội tiếp cận các thị trường và các mảng sản phẩm riêng biệt, chứ không phải tham vọng trở thành chủ của hàng loạt sàn TMĐT" - ông Bình nói.
Người Việt thích chợ mạng nước ngoài
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, người Việt mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với sản phẩm trực tuyến trong nước. Nguyên nhân bởi các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay… có uy tín hơn các trang bán hàng trong nước. Ngoài ra, hàng hóa của nước ngoài cũng phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các TP lớn. Trong khi đó, DN Việt chưa xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng, chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng, yếu trong khâu kết nối trung gian…