Chủ động ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan

Thứ năm, 07 Tháng 3 2019 15:30 (GMT+7)
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh, thành phía Bắc của nước ta và đang mang lại nỗi lo ngại cho tất cả các chủ trang trại, người dân chăn nuôi heo theo hộ gia đình. Việc ngăn ngừa bệnh dịch tả này đang được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Thực hiện chỉ đạo chung, TP Cần Thơ đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa.

Dịch bệnh lây lan

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn bền vững theo chuỗi khép kín; tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người chăn nuôi phát triển theo cơ chế thị trường, thúc đẩy chế biến sản phẩm nên sản xuất chăn nuôi trong nuớc đã tạo ra khối lượng khá lớn. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn ở mức từ 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Các sản phẩm ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu. Từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần, trong đó thịt heo là sản phẩm tăng cao nhất. Điển hình, năm 2018, sản lượng thịt heo hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Đồng thời, chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi.

Đàn heo nuôi trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ an toàn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: HÀ VĂN

Đàn heo nuôi trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ an toàn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: HÀ VĂN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết: "Tuy vậy, ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm là vấn đề kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và nay là bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta. Tác động của dịch bệnh đối với chăn nuôi nước ta ngoài những đặc tính sinh học nguy hại do dịch bệnh gây ra, còn do đặc thù của điều kiện khí hậu nóng ẩm, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp. Do vậy, vấn đề chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh từ sớm hoặc từ xa là vô cùng quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi, tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái…".

Từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố là: Hưng Yên, Thái Bình, TP Hải Phòng, Thanh Hóa, TP Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Đồng thời, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội, môi trường xung quanh. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan: từ đường vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng; người dân chăn nuôi không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; sử dụng thức ăn thừa và vận chuyển, mua bán sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, nhập lậu sản phẩm heo…

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố có tổng đàn heo thấp (khoảng 130.132 con), đáp ứng 85% sản phẩm cho người tiêu dùng. Đến thời điểm này, trên địa bàn TP Cần Thơ không xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, thành phố cũng chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chủ động ngăn chặn

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT áp dụng hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định với mức giá 38.000 đồng/kg hơi (thấp hơn giá thị trường), thậm chí nhiều nơi chỉ hỗ trợ 27.000 đồng/kg. Điều này đã dẫn đến tình trạng một số người dân giấu dịch, lén lút vận chuyển heo bệnh đi tiêu thụ. Tại hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con và heo thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với heo nái, heo đực giống buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh. Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị trực tuyến ngày 4-3-2019.

Theo ông Phùng Đức Tiến, hiện Bộ NN&PTNT phối hợp với bộ, ngành Trung ương, các địa phương siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo trên cả nước, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy heo khi dịch bệnh xuất hiện diện rộng, tiêu hủy số lượng lớn; tăng cường lực lượng chuyên môn thú y, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi khi đàn heo nuôi ở các địa phương có dấu hiệu bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; huy động nguồn lực hỗ trợ trong nước, quốc tế cho công tác ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lây lan; tăng cường thông tin, tuyên truyền để hộ nuôi, trang trại thực hiện biện pháp phòng tránh…

 UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp để chủ động tình hình. Theo đó, các sở, ban ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và các bệnh lây truyền từ động vật sang người; lập kế hoạch, phương án, sẵn sàng vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp khi dịch bệnh động vật được công bố; hỗ trợ cho chủ vật nuôi khi công bố dịch hoặc khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố; dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu trên địa bàn thành phố; thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố, quận, huyện để tiến hành thanh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật…

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: "Đây là hoạt động nhằm mục tiêu chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh trên động vật xảy ra. Đồng thời góp phần bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, ổn định phát triển sản xuất và hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi; bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và môi trường sinh thái…".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04, đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý. Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương thực hiện công tác trên. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, đồng thời không để gây hoang mang và người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn sạch. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với đơn vị, địa phương không thực hiện tốt theo Chỉ thị 04; vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện 5 không, như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi…
Hà Văn - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế