Thủy sản sinh thái, hữu cơ cho người Việt

Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 08:45 (GMT+7)
Các mô hình nuôi trồng thủy sản sinh thái, hữu cơ xuất khẩu đang dần quay về phục vụ thị trường nội địa

Thủy sản tự nhiên, sinh thái khai thác ở rừng ngập mặn và vùng sản xuất luân canh tôm - lúa tại ĐBSCL đang được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng dù giá không hề rẻ.

Giá cao vẫn đắt hàng

Nhà có con nhỏ nên chị Mai Hồng (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) chọn thực phẩm rất kỹ. "Năm ngoái đi du lịch sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau, phát hiện còn tôm, cá thiên nhiên, tôi kiếm được mối mua thường xuyên, chấp nhận giá hơi cao" - chị Hồng nói và dẫn chứng tôm khô ngoài chợ cỡ lớn chỉ 600.000 - 800.000 đồng/kg, còn tôm "sinh thái" do "mối" tại Cà Mau chuyển lên cỡ nhỏ nhất đã 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg; cá kèo sống ngoài chợ chỉ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng cá kèo đông lạnh chị mua đến 100.000 đồng/gói 300 g.

Cuối tuần qua, tại phiên chợ Xanh - Tử tế (135A Pasteur, quận 3), các quầy thủy sản thiên nhiên luôn tấp nập khách ra vào mua tôm khô, tôm chua, tôm đông lạnh, cá chẽm, cá dứa một nắng… Tất bật bán hàng, chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, chủ Công ty CP Anfoods (Bến Tre, thương hiệu "Người giữ rừng"), cho biết công ty hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu 500 ha rừng ngập mặn tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), doanh thu hằng tháng khoảng 300 - 500 triệu đồng.

"Trước đây có tình trạng phá rừng để nuôi tôm công nghiệp, lãi lớn nhưng rủi ro rất cao. Rừng ngập mặn còn lại hầu hết do nhà nước quản lý, người dân thuê để giữ rừng và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, có kiểm soát. Chúng tôi thường xuyên tổ chức tour du lịch đưa khách hàng về đây trải nghiệm, tìm hiểu đời sống nông dân, phương thức canh tác… để khách hiểu và tin dùng sản phẩm hơn" - chị Hiện bộc bạch.

Thủy sản sinh thái, hữu cơ cho người Việt - Ảnh 1.

Người tiêu dùng TP HCM mua thủy sản thiên nhiên tại phiên chợ Xanh - Tử tế

Theo chị Mai Thị Thùy Trang, chủ cơ sở Tài Thịnh Phát ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau (thương hiệu thủy sản thiên nhiên Cà Mau), sau một thời gian vất vả xây dựng, nay thị trường đã bắt đầu thu trái ngọt. Sản phẩm có mặt tại Chợ phiên nông sản an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tổ chức, phân phối cho chuỗi cửa hàng Organica, Ân Nam và sắp tới là siêu thị Aeon. Không chỉ hỗ trợ nông dân bằng cách mua nguyên liệu giá cao, chị Trang còn áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin để người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm. "Nông dân vui hơn vì mô hình sản xuất của họ được biết đến, ủng hộ" - chị Trang nói.

Chuyên nghiệp hóa

Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hoa Nắng (chuyên sản xuất gạo hữu cơ chuẩn quốc tế trên vùng nguyên liệu luân canh lúa - tôm tại Bến Tre), thông báo khoảng tháng 7 và 8 tới sẽ triển khai thêm dòng sản phẩm thủy sản như tôm sú, tôm đất, cua, cá rô phi, cá chẽm, cá nâu… "Đây là hàng sạch được nông dân nuôi quảng canh, không kháng sinh, không thức ăn công nghiệp… Công ty sẽ đầu tư nhà xưởng sơ chế, cấp đông tại chỗ giúp tăng thêm giá trị trên đồng ruộng cho nông dân và đa dạng hóa mặt hàng cho Hoa Nắng. Tương lai thị trường ổn định có thể tiến tới lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế cho mặt hàng này" - ông Tú tính toán.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ những năm 2000, mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn đã được triển khai tại Cà Mau và được Tổ chức Naturland (Đức) chứng nhận hữu cơ. Nhiều năm nay, các công ty tham gia dự án như Minh Phú, Camimex… đã thu mua tôm tại đây để xuất khẩu. Đối với cá tra, Công ty Binca Seafoods đã phát triển dòng sản phẩm hữu cơ được chứng nhận quốc tế và xuất khẩu ổn định sang thị trường châu Âu, chủ yếu là Thụy Sĩ. Năm 2018, giá cá tra phi-lê đông lạnh hữu cơ Việt Nam bán lẻ tại châu Âu đạt 19,76 euro/kg, trong khi cá tra phi-lê đông lạnh thường chỉ từ 4,02-5,56 euro/kg.

Ông Hòe cho biết thủy sản hữu cơ xuất khẩu tuy còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn nhưng là minh chứng cho thấy Việt Nam đủ khả năng sản xuất dòng hàng cao cấp, đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo nhất từ nhà nhập khẩu. Hiện nay, thị trường thực phẩm hữu cơ trong nước phát triển, các công ty xuất khẩu đang quay về cung cấp hàng cho các siêu thị, cửa hàng chuyên thực phẩm hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng nội địa. 

Có thể phát triển lợi thế về thủy sản thiên nhiên

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL còn khoảng 170.000 ha rừng ngập mặn. Trong đó, Cà Mau là tỉnh còn diện tích rừng ngập mặn nhiều nhất với gần 43.000 ha. Toàn ĐBSCL có khoảng 597.000 ha sản xuất luân canh lúa - tôm. Đây là điều kiện tự nhiên quan trọng để phát triển lợi thế về thủy sản thiên nhiên, sinh thái.

Ngọc Ánh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế