Nếu không gấp rút triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hiệu quả, mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ là thách thức khó vượt qua. Nhìn thấy điều này, Bộ Tài chính đã soạn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN với đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa.
Lợi ích kép
Có nhiều lý do khiến hộ kinh doanh cá thể không muốn lên DN, trong đó sự cách biệt về thuế suất phải nộp là một trong những lý do quan trọng. Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập DN với DN nhỏ và vừa đang ở mức 20%, cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân 10%, còn hộ kinh doanh cá thể chỉ phải nộp thuế khoán với tỉ lệ 0,1%-5% doanh thu. Với mức chênh lệch quá lớn, nhiều hộ có quy mô kinh doanh khá lớn vẫn né tránh đăng ký thành lập DN.
Ðây chính là lý do mà ở dự thảo nói trên, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa từ 20% hiện nay còn 15%-17%, nhằm tạo động lực kích thích hộ kinh doanh lên DN, góp phần tăng số lượng DN đăng ký kinh doanh theo mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Ðức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Ðại lý thuế TP HCM, cho rằng nếu được nhà nước giảm thuế thu nhập DN, nhóm DN nhỏ sẽ trút bỏ được gánh nặng tài chính rất lớn. Ðồng thời, giảm thuế cho khu vực này cũng góp phần tạo sự công bằng giữa người nộp thuế thu nhập DN với người nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế khoán; từ đó kích thích hộ kinh doanh thành lập DN.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ÐH Tài chính - Marketing, việc giảm thuế thu nhập DN nhỏ là nền tảng cho nguồn thu từ thuế tăng lên trong tương lai nhờ hàng trăm ngàn hộ kinh doanh được tạo điều kiện để lên DN. Khi đó, hiệu quả về mặt thu ngân sách còn tăng lên nhiều lần.
Cần có chính sách ưu đãi đồng bộ để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần nhiều chính sách đồng bộ
Không thể phủ nhận đề xuất giảm thuế là chuyển động chính sách rất tích cực của Chính phủ và được cộng đồng DN đánh giá cao nhưng ưu đãi có vẻ chưa đến đúng đối tượng cần nhất.
Ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu rõ số liệu từ ngành thuế cho thấy số lượng DN có phát sinh đến mức đóng thuế thu nhập DN hiện không lớn, chỉ khoảng 50%-60% tổng số DN đăng ký. Như vậy, khu vực DN nhỏ, siêu nhỏ không có thu nhập để kê khai đóng thuế rất cao. Tất nhiên, sẽ có lượng DN lách thuế bằng nhiều cách, chẳng hạn chia nhỏ doanh thu, song không đáng kể.
"Những DN đóng thuế thu nhập DN không phải đối tượng khó khăn nhất, thậm chí họ kinh doanh tương đối tốt. Khó khăn thuộc về nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ có doanh thu và lợi nhuận thấp, gặp vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn, thiếu trình độ quản trị, không có thông tin, không có khách hàng… Tạo điều kiện thông qua giảm thuế suất thì mới dừng ở bước tạo điều kiện cho nhóm vốn đã thuận lợi rồi, còn nhiều DN khó khăn, chật vật hơn thì lại thiếu hỗ trợ" - ông Ðậu Anh Tuấn phân tích.
Trên cơ sở phân tích này, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn cho DN nhỏ và siêu nhỏ thông qua chính sách ưu đãi tín dụng, đất đai và các chi phí ngoài sản xuất khác. "Giảm thuế suất cũng rất quan trọng nhưng không phải tất cả, cần đồng bộ nhiều chính sách khác để giảm chi phí cho DN, như giảm lãi vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, vận tải…" - ông Tuấn nhấn mạnh.