TP HCM kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn

Thứ bảy, 30 Tháng 3 2019 11:39 (GMT+7)
TP HCM sẽ xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo quy trình hiện đại, khép kín

Sáng 29-3, tại hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường TP HCM năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 và triển khai kế hoạch năm 2019 - Tết Canh Tý 2020, Sở Công Thương TP HCM cùng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, Sở Du lịch đã ký kết Kế hoạch liên tịch kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.

Thêm đầu ra cho doanh nghiệp

Việc hợp tác kết nối tiêu thụ nói trên là một trong những nét mới của chương trình bình ổn thị trường TP HCM, bên cạnh những hoạt động chủ lực như tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm kết nối cung - cầu; sơ chế tại nguồn đối với nông sản thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả; hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN); khuyến khích các DN sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường…

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở sẽ xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín, phù hợp. Các sản phẩm thuộc danh mục sẽ được hỗ trợ kết nối tiêu thụ ở các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.

TP HCM kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Hàng bình ổn thị trường đã tạo được niềm tin với khách hàng. Ảnh: TẤN THẠNH

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, nhận định việc hợp tác giữa 3 đơn vị lần này sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho DN. Trước mắt, website của ban sẽ xây dựng danh mục những nhà hàng, khách sạn cho khách du lịch, công khai cơ sở kinh doanh mua thực phẩm từ những nguồn nào. Song song đó là quản lý chặt việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm trên địa bàn TP HCM, đồng thời tăng cường lấy mẫu kiểm tra nhanh.

Thống kê của Sở Du lịch TP HCM cho thấy TP có hơn 3.000 cơ sở lưu trú du lịch, 124 cơ sở đạt chuẩn 3-5 sao bắt buộc phải có nhà hàng; 180 khách sạn 2 sao không đòi hỏi có nhà hàng nhưng có phục vụ bữa ăn sáng cho khách. Ngoài ra, TP còn khoảng 50 khu, điểm du lịch đang hoạt động. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đồng tình với sáng kiến hợp tác đưa thực phẩm an toàn vào nhà hàng, khách sạn và cho biết sẽ phối hợp tích cực để kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào tại các điểm kinh doanh này.

Theo bà Ánh, các điểm kinh doanh này có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng cao để phục vụ khách hàng. Tiềm năng cho các DN bình ổn đưa sản phẩm vào hệ thống này là rất lớn.

Tạo được niềm tin

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá chương trình bình ổn thị trường TP có nhiều sáng kiến và triển khai tốt hơn qua từng năm. Thị trường TP HCM ngày càng lớn nên DN cần tư duy mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, chương trình cần bám theo tín hiệu thị trường để đổi mới và phục vụ tốt thị hiếu người tiêu dùng.

Các DN gắn bó với chương trình bình ổn cho rằng nhiều năm qua, chương trình đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng qua sản phẩm đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đôi lúc DN cũng gặp khó khăn bởi theo quy chế của chương trình, hàng bình ổn bán ra thị trường phải thấp hơn hàng hóa cùng chủng loại từ 5%-10%.

Trước đây, các hệ thống phân phối có hỗ trợ chiết khấu với hàng bình ổn thị trường nhưng hiện đã tăng tỉ lệ chiết khấu khiến các DN gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), đề nghị không phải lúc nào nguyên liệu đầu vào cũng thuận lợi cho DN bán ra thấp hơn mặt bằng chung 5%-10% nên mong sở, ngành hỗ trợ khi điều chỉnh giá trên cơ sở bảo đảm hoạt động ổn định cho DN.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết trách nhiệm của DN tham gia bình ổn ngày càng nặng nề, phải tuân theo các tiêu chí khắt khe hơn. Dù DN tham gia chương trình có kế hoạch dự trữ nhưng cũng không thể lường trước được diễn biến thị trường như hiện nay. Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, sức tiêu thụ thịt gà tăng đáng kể, giá mặt hàng này trên thị trường đã tăng 30%-40% nhưng DN tham gia chương trình vẫn phải thực hiện đúng cam kết với đối tác và giữ giá bán bình ổn, cộng với giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng không ít đến DN.

Liên quan đến giá cả hàng bình ổn, chiều cùng ngày, Sở Tài chính TP HCM đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan, DN để xét duyệt giá cho chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết 2020. 

79 DN tham gia chương trình năm 2019

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, từ nhiều năm nay, chương trình bình ổn thị trường đã đi vào chiều sâu, giúp kiểm soát tốt nguồn hàng và giá cả thị trường TP, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện... Năm 2018 và Tết 2019, tổng doanh thu hàng bình ổn thị trường đạt 30.652,4 tỉ đồng, tăng 9,84% so với năm 2017-2018. Các sản phẩm bình ổn ở cả 4 nhóm hàng (lương thực - thực phẩm, mùa khai giảng, sữa, thuốc và dược phẩm) chiếm 25%-40% nhu cầu thị trường. Riêng 2 tháng Tết Kỷ Hợi 2019, doanh thu hàng bình ổn thị trường đạt 8.450,8 tỉ đồng, tăng 882,1 tỉ đồng (11,65%) so với Tết Mậu Tuất 2018.

Năm 2019, 79 DN sẽ tham gia 4 chương trình bình ổn, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Thanh Nhân - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế