Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thay đổi cơ chế để phát triển

Thứ ba, 07 Tháng 5 2019 08:50 (GMT+7)
Hội đồng vùng hiện chưa đủ cơ chế, thực quyền để chỉ huy; cơ sở khoa học và pháp lý để hình thành vùng cũng chưa đầy đủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 6-5 đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phía Nam tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong… cùng lãnh đạo các tỉnh, thành Nam Bộ.

Chưa phát huy hết sức mạnh

VKTTĐ phía Nam gồm 8 tỉnh, thành: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang, được xác định là năng động và chủ lực, giữ tỉ trọng kinh tế cao nhất, chiếm 50,9% GRDP trong 4 VKTTĐ, đóng góp 45,42% GDP cả nước.

VKTTĐ phía Nam hiện đi đầu trong một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, như các ngành sản xuất linh kiện điện tử, phần mềm và các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp 2 lần trung bình cả nước. Tuy nhiên, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những thế mạnh "đầu tàu" trong thời gian qua chưa được thể hiện, sự kết nối trong vùng lỏng lẻo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế theo đó đang chậm dần.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thay đổi cơ chế để phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong Quyết định của Chính phủ từ năm 2014 về quy hoạch tổng thể phát triển VKTTĐ phía Nam định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển vùng này thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng lùi trở lại, giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước, trong khi những năm 2011-2015 gấp khoảng 1,5 lần. Tỉ trọng ở 2 ngành mũi nhọn là công nghiệp, dịch vụ cũng giảm dần theo từng năm so với cả nước. Bên cạnh đó, tốc độ thu hút vốn FDI và quy mô vốn FDI cũng đang giảm dần…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định những tồn tại, vướng mắc là do VKTTĐ phía Nam chưa có thể chế rõ ràng về tính liên kết vùng, chưa có cơ chế điều phối đủ mạnh; do đó Hội đồng vùng (do TP HCM làm chủ tịch) và các địa phương trong vùng đã phối hợp không hiệu quả. Vai trò của Hội đồng vùng hiện nay không phải là cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước, chưa có địa vị pháp lý đầy đủ cũng như không có nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, không thể ra quyết định hành chính... Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng Hội đồng vùng hiện chưa đủ cơ chế cũng như thực quyền để chỉ huy; cơ sở khoa học và pháp lý để hình thành vùng cũng chưa đầy đủ và rõ ràng nên thiếu định hướng và chiến lược chung cho hoạt động và phát triển.

Cần cơ chế tự chủ

Từ những hạn chế, vướng mắc đã được mổ xẻ, lãnh đạo TP HCM đề xuất những phương hướng đổi mới cơ chế để VKTTĐ phía Nam phát triển hiệu quả. Lãnh đạo TP HCM cho rằng về lâu dài, trung ương cần có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh trong kết cấu vùng. Trước mắt, TP HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập và phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện sự liên kết có hiệu quả. TP HCM kiến nghị Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và ODA để đầu tư xây dựng công trình trọng điểm, phát triển hệ thống logistics trong vùng. Đặc biệt, TP HCM kiến nghị Chính phủ thành lập một bộ phận thuộc Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, cùng tham mưu cho Thủ tướng và các thành viên thuộc vùng khi không thống nhất sẽ tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng đưa ra quyết định cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị Chính phủ có thể chế, chính sách hỗ trợ VKTTĐ phía Nam phát huy lợi thế, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng. "Cần hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo, phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp. Vai trò luân phiên chủ tịch Hội đồng vùng cũng cần xem xét lại bởi cần thiết ưu tiên tỉnh, thành có thế mạnh nắm vai trò dẫn dắt mới có hiệu quả…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định VKTTĐ phía Nam có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, trong đó TP HCM luôn đi đầu. Để làm được điều này, vai trò của từng địa phương là chưa đủ mà cần phải có sự hành động của tập thể mang tính liên kết vùng. Trên hết, Chính phủ cũng phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng để huy động nguồn lực, tạo sức mạnh để phát triển.

Khẳng định sự liên kết trong vùng còn quá lỏng lẻo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị lần này phải tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những "điểm nghẽn". "Chia vùng để có đặc điểm chỉ đạo liên kết phát triển. Với các ách tắc, khó khăn hiện nay, cần phải tháo gỡ ngay để phát triển bền vững đúng với tiềm năng vốn có. Các địa phương trong vùng phải nêu rõ tình hình, mục tiêu phát triển, các vướng mắc và nguyên nhân để tìm cách tháo gỡ. Các ý kiến đã đưa ra, Chính phủ sẽ nghiên cứu, có giải pháp xử lý" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. 

Hạ tầng giao thông là nền tảng phát triển

Một trong những yếu tố được coi là nền tảng để phát triển vùng là hạ tầng giao thông. Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hạ tầng giao thông tại vùng hiện chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá với việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông của khu vực hiện nay nếu nhìn về lâu dài là không ổn. Tại TP HCM, hiện cứ khoảng 1 km2 thì có 2,1 km đường, trong khi xét theo tiêu chuẩn thì 1 km2 phải có 10 km đường. "TP HCM cứ ngày một đông, khoảng 5 năm có thêm 1 triệu dân, cho thấy áp lực cần thiết phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn..." - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Xuân Hoàng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế