Khách hàng chọn mua sản phẩm nông nghiệp tại một siêu thị.
Bắt "nhịp" thị trường
Liên quan đến bài toán để sản phẩm của ngành nông nghiệp tránh được những cuộc "giải cứu" vốn đã xảy ra trong nhiều năm qua, các nhà chuyên môn gợi ý sản xuất phải bắt "nhịp" của thị trường, tức sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, nhấn mạnh: "Mô hình chuỗi giá trị nào cũng phải bắt đầu từ thị trường". Điều này có nghĩa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chủng loại được sản xuất cũng như quy mô về khối lượng sản phẩm…, phải được quyết định dựa trên nhu cầu từ trong nước và thế giới.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất quyết định đến sự thành công của một mô hình sản xuất nông nghiệp là phải bắt nguồn từ nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, với mô hình cánh đồng lớn, theo ông, vốn là yếu tố cần, nhưng chưa đủ để quyết định đến sự thành công của mô hình này, mà thị trường mới là yếu tố quyết định vì sản xuất nhưng không có thị trường tiêu thụ cũng sẽ thất bại. "Sản xuất ra phải bán được, thì ngân hàng mới cho vay, chứ nếu không bán được, tức ngân hàng đưa đồng nào hết đồng ấy, thì ai dám cho vay nữa?"-GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Khi tổ chức sản xuất, thì người sản xuất (doanh nghiệp) phải biết khách hàng cần loại sản phẩm gì, tiêu chuẩn ra sao?... Khi đã có đầu ra, họ mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp. "Chẳng hạn, công ty A cần nhập khẩu mỗi năm 100.000 tấn gạo Japonica và đặt hàng với doanh nghiệp B trong nước, thì doanh nghiệp này sẽ liên kết với nông dân hình thành vùng sản xuất với quy mô 100.000 tấn gạo theo tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng. Khi doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà biết rõ sản phẩm được tiêu thụ ở đâu, thì làm sao thất bại được" - GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: "Phát triển thị trường là câu chuyện hết sức quan trọng đối với nông sản Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm trong nhiều năm qua". Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp khi có đến 50% sản lượng được sản xuất ra phải xuất khẩu, tức có khả năng cung ứng rất lớn. Vì vậy, phải luôn tìm cách tháo gỡ, khơi thông thị trường để thu được lợi nhuận, tái đầu tư. Xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích, mà cụ thể trong năm 2018 đã vượt hơn 40 tỉ USD, nằm trong top 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, gợi ý, để sản phẩm vào được kênh tiêu thụ của đơn vị này, ngoài yêu cầu chất lượng trong quá trình sản xuất đã được đơn vị này đề ra ngay từ đầu, thì hiện Saigon Co.op còn yêu cầu sản phẩm phải đạt chất lượng sau thu hoạch, tức việc hình thành đơn vị chế biến, bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Ngoài ra, việc bao gói, mẫu mã sản phẩm phải phù hợp yêu cầu vừa tiện lợi, vừa đáp ứng được thẩm mỹ, nhu cầu khách hàng giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đơn vị này còn đặt ra thêm các tiêu chí khác của riêng Saigon Co.op, đó là sản phẩm vào hệ thống phải đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, hạn chế chất thải ra môi trường. "Đây là chương trình chúng tôi đã đưa vào nghị quyết của đơn vị" - ông Hồng cho biết thêm.
Mở cửa, tháo gỡ khó khăn thị trường nhập khẩu
Tuy nhiên, muốn sản phẩm nông nghiệp bắt được "nhịp" thị trường, thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động đàm phán mở cửa cho những sản phẩm mới và tháo gỡ những rào cản được thị trường nhập khẩu dựng lên đối với những sản phẩm vốn đã được mở cửa, nhưng gặp khó khăn.
Thời gian qua, về mặt chính sách, đã có hai nhóm công việc chính được các nhà làm chính sách và Chính phủ thực hiện, gồm: Thứ nhất, đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ những rào cản; thứ hai, thực thi các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển thị trường. Cụ thể, đối với chính sách thứ nhất, trong năm năm 2018, đã phải làm việc rất nhiều với Trung Quốc về mở cửa thị trường; với Liên minh châu Âu (EU) về câu chuyện "thẻ vàng" hải sản… "Đây là việc thường xuyên đàm phán, chủ động tháo gỡ khó khăn", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết và dẫn chứng trong năm ngoái đã tháo gỡ được 173 trên 350 điều kiện.
Thực tế, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam và Trung Quốc vừa ký văn kiện chính thức cho phép sản phẩm măng cụt và sữa của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam đã có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối, mít và măng cụt. Trong khi đó, liên quan đến tháo gỡ "thẻ vàng" hải sản vào EU, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, trong tuần đầu tháng 5-2019 sẽ "chốt" ngày đoàn Ủy ban châu Âu (EC) thuộc EU sẽ sang xem xét tháo gỡ "thẻ vàng" hải sản Việt Nam.
Còn về chính sách hỗ trợ, hiện có rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển thị trường, thúc đẩy thương mại. Hiện nay, có nhiều nghị định hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98 về thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp... Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, hệ thống chính sách hiện có nhiều điểm còn chưa được đồng bộ hoặc khi đưa ra chính sách, thì nguồn lực để triển khai thực hiện lại chưa sẵn sàng ở cả cấp Trung ương và địa phương. "Tôi có lấy ví dụ với ngành rau quả, thì cùng nhau viết một chiến lược trình lên cấp cao nhất để làm sao đưa thành ngành chủ lực, tức khi hỗ trợ đầu tư thì phải hỗ trợ đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối" - ông cho biết.