Để ngành lúa gạo thoát cảnh "nay trồi, mai sụt"…

Thứ ba, 14 Tháng 5 2019 08:43 (GMT+7)
Mô hình "cánh đồng lớn" (CĐL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động và thực hiện thí điểm đầu tiên tại vùng ĐBSCL từ vụ hè thu 2011. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển và nhân rộng, song thực tế chứng minh, xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình CĐL là phương thức sản xuất phù hợp, giải pháp tối ưu nhất và là xu thế tất yếu của ngành hàng lúa gạo nước ta

.

Thu hoạch lúa tại một CĐL trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Đột phá mô hình CĐL

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018 các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên khá phổ biến. Qua thống kê, cả nước có 6.800 mô hình với diện tích liên kết khoảng 1 triệu héc-ta. Nổi bật là mô hình CĐL diện tích hơn 516.000ha, với 619.000 hộ tham gia. Riêng vùng ĐBSCL, CĐL liên kết sản xuất lúa có khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Một số tỉnh có diện tích liên kết sản xuất lúa trên CĐL khá lớn có thể kể đến như: Sóc Trăng 98.000ha, Cần Thơ 70.000ha, Kiên Giang 52.000ha, Đồng Tháp 40.000ha, An Giang 35.000ha, Long An 33.000ha, Bạc Liêu 26.000ha… Theo tính toán, mỗi héc-ta lúa tham gia CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng.

Tham gia CĐL người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, hạn chế rủi ro do giá cả thị trường biến động. Đối với doanh nghiệp, liên kết qua CĐL giúp họ chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2014-2018, tổng diện tích CĐL của tỉnh là 176.089ha/171.292 hộ tham gia. Các CĐL này đều có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp cung ứng đầu vào và thu mua lúa hàng hóa đầu ra với giá cao hơn giá trên thị trường (tùy thời điểm và tùy theo giống). Nhờ vậy, hầu hết bà con nông dân đều đạt mức lãi từ 30-40% trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép xây dựng CĐL vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các tuyến lộ nông thôn trong khu vực CĐL được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, rất thuận tiện cho tổ chức sản xuất và thu mua lúa, diện tích cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.

Hiệu quả từ CĐL mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai mô hình này lại khó nhân rộng. Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đánh giá: "Tại ĐBSCL, CĐL chỉ chiếm 9,2% diện tích đất lúa minh chứng tỷ lệ lúa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp. Hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa theo CĐL ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...".

Gỡ nút thắt

Lý giải nguyên nhân CĐL khó nhân rộng, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện không đủ vốn đầu tư mở rộng mô hình. "Chúng tôi cần vốn để thanh toán cho nông dân, lắp hệ thống sấy và silo chứa lúa. Bởi vào CĐL là sản xuất tập trung, thu hoạch đồng loạt tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp vì phải thanh toán tiền ngay cho nông dân. Lúa thu hoạch rồi thì không thể để lâu được mà phải sấy liền và đưa vào kho chứa mới đảm bảo được chất lượng gạo. Để ngành lúa gạo thoát khỏi cảnh "nay trồi, mai sụt", tôi kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để ngân hàng nhanh chóng vào cuộc. Theo đó, ngân hàng cho doanh nghiệp vay đủ vốn để đầu tư xây dựng CĐL theo từng dự án được UBND tỉnh, thành vùng ĐBSCL phê duyệt, đáp ứng đủ tiêu chí, quy định của Chính phủ và Bộ NN&PTNT ban hành"-ông Phạm Thái Bình nói.

Thực tế cho thấy, việc liên kết để sản xuất theo chuỗi mặc dù được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Do đó, theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để mối liên kết trong CĐL hình thành và phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra tiêu chí xây dựng CĐL đến năm 2020. Tiêu chí quy định CĐL phải có diện tích tối thiểu 100ha trở lên cho một cánh đồng; phải bố trí sản xuất liền vùng, liền thửa, quy mô tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Các CĐL có hệ thống đê bao, giao thông nội đồng, thủy lợi, điện tương đối hoàn chỉnh, phù hợp cho việc chủ động sản xuất… Đặc biệt, CĐL phải thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân.

Mới đây, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Liên kết sản xuất lúa", một số ý kiến kiến nghị Chính phủ kịp thời có hướng dẫn thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách ban hành kèm theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về khuyến khích, liên kết, xây dựng CĐL. Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: "Mối liên kết "4 nhà" phải tiếp tục được duy trì và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Chúng ta cần có các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học… Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, những bất cập trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ từng bước được tháo gỡ, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững".

Bài, ảnh: MỸ THANH - ( Báo Cần Thơ)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế