Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, chiều nay, ngày 4/6, đề cập đến việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan, xí nghiệp ra ngoài nội đô, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao thực hiện chậm và việc thu hồi để xây dựng các công trình công cộng không được thực hiện nghiêm?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu ra hàng loạt các căn cứ và quy trình để thực hiện. Ví như việc lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời ra ngoài nội thành. Bên cạnh đó là các đồ án, bố trí quỹ đất để phục vụ việc di dời, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thực hiện việc khai thác sử dụng quỹ đất...
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận việc thực hiên là rất chậm. Mặc dù Hà Nội cũng đã bố trí một số khu vực bố trí địa điểm, xây dựng sau khi di dời nhưng việc triển khai vẫn cứ chậm.
“Tóm lại là việc này rất chậm. Việc này trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ nữa. Sau phiên chất vấn này thì phải ngồi lại với các bộ để đánh giá vì sao chậm, giải pháp sắp tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "truy" Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
ĐBQH đề nghị làm rõ việc chung cư mọc trên 'đất vàng' trụ sở di dời.
Tranh luận thêm về vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết: Luật Thủ đô được thông qua vào năm 2012 và đã có hiệu lực được 8 năm. Một trong những việc không thực hiện được, mặc dù luật đã quy định là việc di dời trụ sở các bộ, ngành. Theo quy định của Luật Thủ đô, quy đất sau khi di dời các trụ sở, nhà máy, xí nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế sau di dời thì phần lớn biến thành chung cư cao tầng, ít có công trình công cộng, phục vụ người dân. 9 cơ quan, bộ ngành đã được bố trí quỹ đất di dời nhưng lại có đến 7 cơ quan giữ lại trụ sở cũ và chuyển đổi sang xây dựng chung cư cao tầng, không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng. Ngoài ra cũng chưa thấy có cơ sở giáo dục nào di dời ra ngoài nội thành.
“Tất cả thực trạng trên đã tạo ra sức ép về hạ tầng, dẫn số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra khi thực hiện việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở bộ, ngành”, ĐBQH Dung đề nghị làm rõ vấn đề trên.
Trước ý kiến về sự chậm trễ trong di dời các Bộ, ngành, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết việc này liên quan tới nhiều cơ quan. Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.
"Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời", ông Hà cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các Bộ để đánh giá vì sao di dời chậm và giải pháp ra sao.
Nhận định vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được thực hiện. Nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời nên kế hoạch chưa thực hiện được. Tuy nhiên, một số cơ sở dù đã di dời ra ngoại thành, nhưng vẫn muốn “ôm” đất trong nội thành để làm cơ sở 2.
Ông Nghiêm dẫn chứng trường trường hợp Bệnh viện K, Hà Nội đã giao mấy ha đất tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) để xây dựng cơ sở mới. Nhưng giờ bệnh viện này vẫn xin được sử dụng đất ở cơ sở cũ (quận Hoàn Kiếm) để làm cơ sở chữa bệnh.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Nghiêm đề nghị nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành.