“Bỏ” cá sặc bổi, “theo” cá tra
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành khô cá trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, đây là ngành hàng có doanh thu cao, góp phần rất lớn trong việc giải quyết đầu ra cho nông dân nuôi cá, tạo ra sản phẩm “đặc sản” để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, do cách làm ăn nhỏ lẻ nên ngành hàng này phát triển chưa bền vững, thiếu ổn định, tình trạng bán phá giá lẫn nhau diễn ra như ngành hàng cá tra.
Năm 2017, 2018, ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu phát triển mạnh. Giá cá tra nguyên liệu lẫn cá tra giống ở mức cao. Có thời điểm cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu lên đến 36.000 đồng/kg (tháng 10-2018). Mức lời quá hấp dẫn, từ đó khiến hàng ngàn hộ nuôi cá sặc bổi trong vùng ĐBSCL bỏ sang nuôi cá tra giống hoặc cá tra thịt. Trong khi ngành chế biến khô, mỗi năm cần trên 100.000 tấn cá nguyên liệu để chế biến ra thành phẩm tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu sang các quốc gia lân cận (bằng đường tiểu ngạch). Nhu cầu nhiều, cung ít nên giá cá nguyên liệu từ mức bình quân 65.000 đồng/kg bị đẩy lên mức 84.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu chênh lệch 19.000 đồng/kg khiến ngành sản xuất khô lâm vào cảnh khó khăn. “Thời điểm này giá nguyên liệu cao, nếu không duy trì sản xuất để giải quyết việc làm cho công nhân thì họ sẽ đi nơi khác để tìm việc làm. Chính yếu tố duy trì sản xuất để giữ công nhân, giữ mối mua hàng nên mùa khô năm nay đa phần các hộ sản xuất đều thua lỗ. Nhiều hộ vay tiền để sản xuất, nếu ngưng sản xuất thì ngành ngân hàng sẽ thu hồi vốn, từ đó họ sẽ gặp khó” - bà Dương Thị Lẹ (hộ sản xuất khô xã Khánh An, An Phú) phân tích.
Tình trạng nông dân bỏ cá sặc bổi, chạy theo nuôi cá tra làm cho ngành chế biến khô cá sặc bổi gặp khó khăn. Chính sự khó khăn này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, nhiều hộ vay ngân hàng đến thời điểm đáo hạn nhưng không có tiền trả lãi lẫn nợ gốc. Tình trạng biến động nhân công đã xảy ra. “Ngoài nguyên liệu cá sặc bổi, năm nay cá lóc được xuất mạnh vào thị trường Campuchia nên giá cá lóc nguyên liệu dùng để chế biến khô cũng tăng “chóng mặt”. Hiện chúng tôi phải mua cá lóc đến 45.000 đồng/kg để chế biến” - bà Hồ Thị Thủy (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) thông tin.
Cạnh tranh gay gắt
Sản xuất cầm chừng, chờ giá nguyên liệu xuống thấp là một khó khăn, nhưng khó khăn đó không bằng sự cạnh tranh, bán phá giá lẫn nhau giữa các hộ sản xuất trong cùng một ngành hàng, giữa các làng khô cá trên địa bàn tỉnh. “Cá sặc bổi nguyên liệu hiện nay, các cơ sở chế biến phải mua với giá 82.000 - 84.000 đồng/kg; 3kg cá nguyên liệu mới chế biến được 1kg khô thành phẩm. Chỉ tính riêng nguyên liệu, để có 1kg khô thành phẩm, chi phí bỏ ra 252.000 đồng/kg. Nếu tính cả lương công nhân, lãi ngân hàng, chi phí lưu kho, phí khấu hao tài sản… thì giá vốn cho 1kg khô thành phẩm (sản xuất trong giai đoạn này) lên đến 272.000 đồng/kg, vậy mà giá bán ra, có hộ chỉ bán ở mức đó hoặc thấp hơn 10.000 đồng/kg” - bà Nguyễn Thị Đẹp (hộ sản xuất khô xã Khánh An, An Phú) phân tích.
Sản phẩm gia nhập thị trường thì phải cạnh tranh. Song, cạnh tranh lành mạnh hay không mới là vấn đề cần bàn. Nếu cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng sẽ có lợi, ngược lại cạnh tranh không lành mạnh thì người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều bất lợi, một ngành hàng sản xuất vốn đã có thế mạnh sẽ nhanh chóng lụi tàn bởi cách làm ăn không lành mạnh. Bức xúc trước vấn đề này, bà Đẹp phân tích thêm, cũng là khô cá sặc bổi, giá thành sản xuất 272.000 đồng/kg nhưng có nơi bán chỉ 250.000 đồng/kg hoặc thấp hơn. Chênh lệch 22.000 đồng/kg là do đâu? 1 tấn cá khô chênh lệch 2,2 triệu đồng. Nhiều hộ mới ra sản xuất muốn lấy “mối” của người khác nên phải bán rẻ hoặc bắt cá nguyên liệu loại cá dạt, cá chết để làm khô nhưng khi sản phẩm gia nhập thị trường thì chất lượng không công bố (nhằm mục đích gian lận thương mại).
Ngành chức năng cần làm rõ vấn đề này. Cũng là sản xuất khô, nhưng người làm đúng các quy định nhà nước như: có đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa luôn bị thiệt thòi bởi chi phí sản xuất ra 1kg thành phẩm khô phải cao hơn. Cơ quan chức năng cần thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này nhằm tạo cho ngành hàng này phát triển bền vững. Cần xác lập trật tự trên lĩnh vực này, nghĩa là tất cả các hộ, cơ sở sản xuất, chế biến khô phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy định của nhà nước, không để tình trạng hộ này thực hiện nghiêm, hộ khác không thực hiện.
“Ngành chế biến khô cá vốn đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt về đầu ra, nay gặp thêm tình trạng nguyên liệu khan hiếm, từ đó đẩy những hộ sản xuất ngành hàng này gặp phải “khó khăn kép”. Để giải quyết khó khăn này, cần vận động cơ sở sản xuất đi vào con đường làm ăn hợp tác sẽ tránh được tình trạng bán phá giá lẫn nhau, thực hiện mô hình “mua chung, bán chung” để cùng nhau phát triển” - bà Trần Lệ Hoa (hộ sản xuất khô xã Tân An, TX. Tân Châu) phân tích |