Dưa lưới - Loại nông sản có tiềm năng lớn ở An Giang

Thứ năm, 06 Tháng 6 2019 14:20 (GMT+7)
Mô hình trồng dưa lưới hiện nay khá phổ biến ở An Giang và bước đầu cho thấy sự thành công điển hình của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dưa lưới là trái cây quen thuộc mùa hè. Hiện, giống cây ngoại nhập này có thể trồng được khắp cả nước từ Lào Cai đến các tỉnh miền Tây. Dưa lưới mọng nước, giàu vitamin, được gọi là loại dưa “vua” bởi cả giá trị dinh dưỡng và đặc điểm khó trồng ở điều kiện ngoài trời.

Nhờ kỹ thuật trồng trong nhà màng nên mô hình này có những ưu điểm thuận lợi về quản lý sâu bệnh, côn trùng...

Có nguồn gốc từ Châu Phi, Ấn Độ, dưa lưới được đưa về trồng tại Việt Nam khoảng 10 năm nay. Tùy vào từng giống dưa mà trọng lượng quả sau thu hoạch có thể đạt từ 1,5 đến 1,7 kg hay 3,2 đến 3,5 kg. 

Với sự phát triển về nông nghiệp của tỉnh nhà An Giang đã tạo nên sự nỗ lực, góp phần khuyến khích bà con nông dân tham gia trồng dưa lưới. Với những chương trình hỗ trợ dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã thu hút sự tham gia của những bà con nông dân ham học hỏi, hiệu quả mang lại đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và làm giàu từ quả dưa lưới.

Đối với bà con nông dân tỉnh An Giang, quả dưa lưới đã thực sự mang sức hút cao với họ. Nhìn nhận được thế mạnh của điều kiện mỗi gia đình, họ đầu tư vào trồng dưa lưới khi đã thực sự tính toán kỹ, vì trồng lúa thì đến mùa hạn phải đối phó với nhiềm phèn, nhiễm mặn, đất đai thoái hóa. Quyết định trồng dưa lưới bởi nhiều thế mạnh như không ảnh hưởng tới mặt đất và có thể tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, không phụ thuộc vào đất đai hay nguồn nước, vừa tiết kiệm chi phí nhân công, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc trồng dưa lưới trong nhà màng có những ưu điểm cao, trước mắt đó chính là chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo những quả dưa sạch đến với người tiêu dùng mà đây là lợi thế lớn trong thời đại ứng dụng công nghệ cao như hiện nay.

Hệ thống tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, đó chính là phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Nhờ kỹ thuật trồng trong nhà màng nên việc côn tránh xâm hại có thể quản lý dễ hơn, việc trồng dưa lưới trong nhà lưới vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn được côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, những trái dưa lưới không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại.

Để dưa cho sinh trưởng tốt, trước khi trồng cần xử lý đất hoặc giá thể, mặt luống phải đầu tư trải bạt để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm hoặc đầu tư giá thể. Ngoài phòng côn trùng, cây non sinh trưởng còn cần phòng nấm, thối rễ, héo lá. Khi cây phát triển, người trồng phải theo dõi để cuốn dây, tỉa bớt cành, lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Thời điểm cây ra hoa, nhà vườn phải thuê nhân công thụ phấn bằng tay hoặc thuê ong thụ phấn đồng loạt để có sản lượng tốt. Thời điểm cây ra quả, đeo trái phải tiếp tục tỉa cành, chỉ giữ lại một quả mỗi dây để đảm bảo chất lượng quả tốt. 

Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại, mô hình cho thu nhập ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 4 vụ/năm, nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Với giá bán cho thương lái ở TP.HCM hiện nay từ 30.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con nông dân có thu nhập khá ổn định.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng là một sự thành công của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đến nông dân, hướng tới mục tiêu đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững. Dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên” được triển khai thực hiện là một điển hình. Ngoài ra, Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân… cũng là những địa phương đang tận dụng thành công mô hình này.

Đây là mô hình tiêu biểu ở tỉnh An Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ; khuyến khích để các hộ dân có điều kiện nhân rộng thêm tại nhiều điểm khác, nhất là ở những nơi thiếu nước ngọt sản xuất trước tác động bởi biến đổi khí hậu, gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Đây được xem là mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm, mang thu nhập ổn định cho người sản xuất.

Hồng Ân - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế