Khai thác và phát triển bền vững tài nguyên biển đang được các địa phương ven biển chú trọng. Trong ảnh: Tàu neo đậu tại Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CTV
Mở hướng phát triển
Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36 đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương…
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 36 vừa qua ở tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, cho biết: Nghị quyết đã đưa ra một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW), kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập... Để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, đồng thời giảm thiểu thách thức, Việt Nam cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển xanh.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Cục biển và hải đảo Việt Nam, khẳng định: Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Biển và đại dương là dư địa cuối cùng để phát triển của loài người, do vậy sự vươn ra biển cũng là lẽ đương nhiên. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới, bao gồm công nghệ liên quan đến biển cũng mang lại nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển. Nghị quyết 36 với chiến lược và tầm nhìn bao trùm hơn Nghị quyết số 09-NQ/TW đã khẳng định chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với biển và đại dương. Đây là vấn đề quan trọng then chốt trong phát triển thời gian tới.
Đưa kinh tế biển trở thành trụ cột
Là quốc gia nằm ven Biển Đông với bờ biển dài 3.260km từ Bắc xuống Nam; hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Hiện nay, kinh tế biển đóng góp khoảng 60% GDP quốc gia. Mục tiêu Nghị quyết số 36 đặt ra đến năm 2030, đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển là 10% GDP; kinh tế của 28 tỉnh, thành ven biển góp 65-70% GDP cả nước.
Hiện các địa phương ven biển đã có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đơn cử như Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 28-12-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 38/KH-UBND ngày 13-3-2019 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 36. Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, vùng biển rộng 40.000km2, trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại, với trên 30 loài tôm biển, 661 loài cá. Trữ lượng cá lên đến 800 ngàn tấn, có thể đánh bắt 10 ngàn tấn mỗi năm. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu cá các loại, đây là một lợi thế rất lớn để Bạc Liêu trở thành một tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh cũng đặt ra nhiều giải pháp ứng phó với những thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường trong khu vực trên vùng biển như: vấn đề về vi phạm vùng biển chủ quyền biển đảo, tranh chấp tài nguyên vẫn quyết liệt, thăm dò khai thác tài nguyên, đánh bắt trộm hải sản, lấn át ngư trường; tình hình buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép trên biển… Đồng thời hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Tất cả nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đưa kinh tế biển thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế.
Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển theo Nghị quyết số 36, kinh tế biển xanh cần đóng vai trò chủ đạo, cùng với đó là xây dựng văn hóa sinh thái biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển. Phát triển kinh tế biển phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển, cho biết nhiều quốc gia có biển đang phát triển theo mô hình lấy đại dương nuôi đất liền. Phát triển dựa vào bảo tồn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh. Việt Nam cần phải hướng chiến lược đến năm 2030 theo xu hướng của thế giới để không bị tụt hậu.