Con tôm ôm dòng điện sạch

Thứ hai, 10 Tháng 6 2019 10:20 (GMT+7)
Gần đây, ĐBSCL nổi lên và ngày càng khẳng định vai trò của một trung tâm sinh thái nuôi tôm, trung tâm năng lượng tái tạo thu hút nhiều dự án đầu tư của cả nước

"Con tôm ôm dòng điện sạch" đang được hình thành từ những mô hình trang trại nuôi tôm sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Đến việc lớn hơn như tỉnh Bạc Liêu mạnh dạn đề xuất Chính phủ loại bỏ dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện than Cái Cùng hàng ngàn tỉ đồng để phát triển điện gió, tạo dòng điện sạch, gắn kết với du lịch sinh thái, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre là 5 tỉnh ĐBSCL nhiều năm liền đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi, cung cấp khoảng 70%-80% sản lượng và giá trị xuất khẩu. Nhìn về phía trước, ngành tôm còn phải vượt qua dấu chân lấm bùn của quá khứ, liên kết tốt chuỗi giá trị ngành hàng từ con giống, kỹ thuật nuôi, chế biến, năng lực xuất khẩu và thị trường nội địa hơn 92 triệu dân. Song, người nuôi, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đang nghĩ mới, làm mới để con tôm "lột xác". Không chịu dừng lại ở "con tôm ôm cây lúa", vùng này ngày càng có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, nuôi tôm theo công nghệ mới, siêu thâm canh mang lại hiệu quả cao.

ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản quốc gia mà còn là một trung tâm năng lượng của cả nước. Nổi lên gần đây là thế mạnh năng lượng tái tạo. Riêng tiềm năng điện năng lượng mặt trời khoảng 216 tỉ KWh/năm, gấp đôi 14 nhà máy nhiệt điện than (ước khoảng 108 tỉ KWh/năm).

Theo các quyết định phê duyệt quy hoạch điện gió của Bộ Công Thương, chỉ riêng 5 tỉnh ven biển của đồng bằng là Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, tổng công suất tiềm năng điện gió đến năm 2020 là 1.272 MW, đến năm 2050 là 10.712 MW, cao hơn nhiều so với tổng công suất tiềm năng điện gió cả nước theo Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Tổng sơ đồ điện lực VII đến năm 2020 là 800 MW, năm 2050 là 6.000 MW.

Hàng loạt dự án điện gió đã được đầu tư, khởi công, cấp phép ở các tỉnh ven biển đồng bằng như: Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, đã khởi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 3, Điện gió Khai Long - Cà Mau, Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh, Điện gió Bình Đại - Bến Tre, trao giấy phép dự án Điện gió Duyên Hải, Trà Vinh, thỏa thuận hợp tác Điện gió Phú Cường Sóc Trăng. Giá thành sản xuất điện gió đã giảm 23% trong 7 năm qua và dự báo còn tiếp tục giảm sâu, trở nên rất cạnh tranh từ năm 2020.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng sạch không thể cùng lúc tạo ra sự đột phá như việc đổ tiền vào xây dựng một nhà máy nhiệt điện than. Để phát triển nông nghiệp, thủy sản và năng lượng bền vững, để "con tôm ôm dòng điện sạch" không là mô hình một lúc, cần thay đổi tư duy phát triển vùng, địa phương, cần nhiều hơn các cơ chế chính sách, tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia, bảo đảm phát triển bền vững các ngành truyền thống và thế mạnh của ĐBSCL.

Hiệp Thủy - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế