Tuần trước, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhiều đại biểu đã nêu những bất cập và khó khăn về hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, khu vực ĐBSCL với gần 20 triệu dân nhưng chỉ có 40 km đường cao tốc, thua xa các vùng trong cả nước. Dù có tính cả tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công cũng không thấm vào đâu. "Vậy bộ trưởng có giải pháp ra sao để dân trong vùng được hưởng lợi từ các dự án giao thông sắp tới?".
Cầu Vàm Cống, công trình hạ tầng giao thông mới nhất vừa được khánh thành ở ĐBSCL Ảnh: SONG ANH
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) nhấn mạnh ĐBSCL có địa thế và điều kiện phù hợp để tổ chức sản xuất và xuất khẩu vì vùng này nhiều sản phẩm, từ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin thậm chí điện tử... Dù được trung ương và các bộ, ngành quan tâm trong thời gian qua nhưng hạ tầng giao thông vẫn còn đang là một trong những điểm nghẽn trong thu hút các nhà đầu tư đến với vùng ĐBSCL, giúp phát triển kinh tế - xã hội và giảm áp lực di dân từ nơi này đến nơi khác, đồng thời góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách quốc gia.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ông cũng rất trăn trở những điều đại biểu nói. Ông nhấn mạnh việc đầu tư đường cao tốc ở những vùng khác địa chất tương đối tốt nên dễ nhưng ở ĐBSCL, một suất đầu tư đường cao tốc ở đây rất cao do phải xử lý nền đất yếu triệt để, phải có nhiều cầu, giá vật liệu cao và đa số kinh phí phải lấy từ ngân sách nhà nước. "Doanh nghiệp sẽ không chọn ĐBSCL, vì suất đầu tư cao, km đường ít, thu phí được ít, hoàn vốn khó nên chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ xem xét và quan tâm đến việc này, bổ sung ngân sách để đầu tư hệ thống đường cao tốc ở vùng ĐBSCL bảo đảm hài hòa các vùng miền" - ông bày tỏ.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng thừa nhận ĐBSCL có 21 cảng nhưng lớn nhất chỉ có cảng Cái Cui, đón được tàu lớn nhất với tải trọng 20.000 tấn trong khi luồng vào hiện nay chỉ bảo đảm 10.000 tấn đầy tải. Do đó, để phát triển khu vực ĐBSCL kết hợp giao thông với phát triển kinh tế rất cần có một cảng biển nước sâu ở khu vực này; đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng được yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch một cảng là cảng Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng có thể đón tàu 100.000 tấn vào khai thác bằng cách thu hút nhà đầu tư làm cầu từ trong bờ ra ngoài khoảng 10 km, sau đó mới làm cảng bên ngoài. "Khi Chính phủ đồng ý chúng ta sẽ huy động các nguồn vốn" - Bộ trưởng Thể nói và cho biết hiện có một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm đến dự án này. Khi có cảng, chắc chắn công nghiệp ở khu vực sẽ phát triển đột phá để giải quyết công ăn việc làm.
Ngoài ra, trong quy hoạch, Bộ GTVT cũng đã bổ sung xây dựng đường cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và ra cảng Trần Đề, kết hợp với đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ, có thể tạo thành một hệ thống đường cao tốc liên hoàn, giúp cho ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường, chuyển hàng hóa thẳng ra cảng để xuất khẩu. "Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi" - ông đánh giá.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) muốn biết vì sao đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ và Bộ trưởng có dám cam kết với cử tri dự án này sẽ hoàn thành trong quý II/2020 hay không?
Bộ trưởng GTVT khẳng định thời gian vừa qua đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân mà khoảng nửa năm nay dự án không triển khai được. Nhưng đến thời điểm này, dự án đã chuyển về UBND tỉnh Tiền Giang điều hành. "Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với Tiền Giang, báo cáo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để dự án cơ bản thông xe vào cuối năm 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Giải quyết nút thắt liên kết
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết hiện nay nút thắt lớn nhất của khu vực này là nút thắt liên kết giữa ĐBSCL với khu vực TP HCM và với khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải. "Chúng ta phải giải quyết nút thắt này" - ông nói và cho rằng nút thắt đường bộ đang giải quyết và phải quyết liệt để đến năm 2020 cơ bản xong đường bộ cao tốc. Kế đến là đường thủy kênh Chợ Gạo, thứ ba là đường sắt. "Nếu có điều kiện chúng ta đầu tư tiếp, còn trong nội vùng thì chúng ta tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới".