Nhờ bao tiêu sản phẩm, ông Danh và các thành viên trong THT rất an tâm khi trồng lúa giống.
Những năm qua, giá lúa hàng hóa bấp bênh, theo kiểu "được mùa, mất giá". Trước tình hình đó, nhiều nông dân ấp Thới Phước 1 đã chủ động chuyển đổi hướng canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong đó, mô hình sản xuất lúa giống của THT ấp Thới Phước 1 bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Công Danh, Tổ trưởng THT 2 lúa - 1 màu ấp Thới Phước 1, cho biết: "Năm 2014, THT 2 lúa - 1 màu ấp Thới Phước 1 được thành lập với diện tích 47ha và có 37 thành viên tham gia. Trước đây, các thành viên trong THT chủ yếu trồng lúa hàng hóa và dưa hấu cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, THT đã chuyển sang trồng lúa giống và cho lợi nhuận khá cao".
Bên cạnh được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, các lớp IPM, kỹ năng chọn và nhân giống cộng đồng... do các cơ quan chuyên môn tổ chức, các thành viên THT còn được Hội Nông dân xã Tân Thạnh tuyên truyền, vận động thay đổi tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng". Ông Danh kể lại, trước đây, 75 công đất của gia đình trồng lúa hàng hóa theo truyền thống nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2016 đến nay, ông hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL để trồng và cung cấp lúa giống. Ban đầu, việc trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa nhưng được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình nên chất lượng đảm bảo. Trước khi xuống giống, các thành viên trong THT nhận giống lúa nguyên chủng và được hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ hạt giống. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu, cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn trực tiếp… Ông Danh cho biết: "Hiện tại, THT chỉ trồng giống lúa OM308 và 504. Vụ lúa đông xuân năm 2018-2019, 75 công đất trồng lúa giống của gia đình thu hoạch với năng suất đạt hơn 50 giạ/ công. Còn vụ hè thu, năng suất chỉ đạt hơn 40 giạ/công. Lúa tươi được hợp đồng bán tại ruộng với giá 5.500-6.000 đồng/ kg. Lúa giống được bao tiêu nên giá cao hơn so với thị trường, chúng tôi an tâm sản xuất...".
Trước đây, làm lúa hàng hóa, khi thu hoạch bán cho "hàng xáo", giá cả phụ thuộc vào thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao.Thấy hiệu quả từ mô hình trồng lúa giống của ông Danh, nhiều thành viên trong THT tham gia ký hợp đồng trồng lúa giống để cung cấp cho Viện Lúa ĐBSCL. Đến nay, trong THT đã có 27 thành viên tham gia trồng lúa giống với diện tích 25ha. Ông Nguyễn Văn Lỹ, thành viên THT, cho biết: "Tôi có 12 công ruộng chủ yếu là trồng lúa hàng hóa. Từ năm 2017 đến nay, tôi đăng ký tham gia trồng lúa giống. Qua 3 năm trồng lúa giống, tôi thấy hiệu quả và lợi nhuận cao hơn từ 500.000-1.000.000 đồng so với trồng lúa hàng hóa. Trước đây, trồng lúa thường một công sạ từ 20 -25kg giống. Trồng lúa giống phải sạ thưa, chỉ tốn 18-20kg giống/công, nông dân tiết kiệm được 2-5kg lúa giống/công. Sạ thưa, cây lúa phát triển khỏe, nhẹ công chăm sóc, hạn chế đổ ngã nên năng suất lúa cao".
Với vai trò là Tổ trưởng THT, ông Danh cùng với Hội Nông dân xã Tân Thạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên và hội viên nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa giống. Bên cạnh đó, ông Danh còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp chuyên cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên trong THT với hình thức trả chậm, không lãi. Để THT đi vào hoạt động hiệu quả, thời gian tới, ông Danh tiếp tục cùng Hội Nông dân xã tiếp tục vận động các thành viên trong THT còn lại tham gia trồng lúa giống và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Viện Lúa ĐBSCL.