Xây dựng thương hiệu tôm Việt

Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 14:49 (GMT+7)
Bạc Liêu đang xây dựng địa phương trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm. Tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm để nâng cao năng suất, chất lượng nhằm xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, khẳng định chất lượng tôm Việt trên thị trường thế giới.

Quang cảnh Diễn đàn tôm Việt (tổ chức tại Bạc Liêu).

Các hộ nuôi tôm tham quan gian hàng tại Diễn đàn tôm Việt.

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh ở huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. Hàng năm, ngành Thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường 164 quốc gia, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành Thủy sản.

Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai của cả nước về diện tích và sản lượng tôm. Tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của các tập đoàn, doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi.

Nổi bật là Tập đoàn Việt - Úc đã đầu tư sản xuất con giống, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín đạt tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu nguyên con tôm sang Úc. Ông Vũ Đức Trí, Giám đốc Quản lý doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Việt - Úc, cho biết: “Chiến lược dài hạn của Tập đoàn Việt - Úc là đầu tư vào công nghệ trong quy trình chuỗi khép kín từ tôm bố mẹ đến con giống, tôm thương phẩm đến bàn ăn để phục vụ người tiêu dùng. Để con tôm Việt có chỗ đứng trên thị trường, cần đảm bảo hai yếu tố chính là truy xuất nguồn gốc tôm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điều được Tập đoàn Việt - Úc xác định đầu tư thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm”.

Thời gian qua, ngành tôm Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về thị trường xuất khẩu và biến động giá tôm, nhất là khi con tôm bị dịch bệnh. Để khắc phục tình trạng này và đạt mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra (đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD) thì cần xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, giúp ngành tôm Việt Nam tăng trưởng doanh thu một cách bền vững. Trong đó, điều quan trọng là xác định được vùng thích hợp với các mô hình nuôi tôm như quảng canh kết hợp, tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi tôm thâm canh năng suất cao…

Hiện nay, tôm Việt Nam vượt qua Thái Lan, đứng đầu thế giới và thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... Với số lượng tôm xuất khẩu lớn, nếu nói con tôm Việt Nam chưa có thương hiệu thì không đúng. Song, để người tiêu dùng biết đến rộng rãi, hiểu và biết rõ về tôm Việt Nam thì chưa nhiều. Bởi, thương hiệu không chỉ đơn giản là sản phẩm được nhiều người biết, mà còn là khả năng nhận diện, uy tín, độ tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm; khả năng tiếp cận của sản phẩm trên thị trường.

Phát biểu tại diễn đàn xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam tổ chức tại Bạc Liêu, bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, phải xây dựng được chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc con tôm. Muốn vậy, cần có các mô hình nuôi tôm hiệu quả, liên kết chặt chẽ từ việc cung cấp đầu vào đến đầu ra của con tôm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng con tôm…”.

MINH ĐẠT - (baobaclieu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế