Rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được các thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để hỏi về những ngày đàm phán nghẹt thở. Bởi không ai trong số họ muốn nói về bản thân.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đều bày tỏ mong muốn EVFTA sớm được ký kết. Ảnh: THẾ DŨNG
9 năm, 20 tờ trình, 4.000 trang tài liệu
"Thành công là của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các bộ - ngành, các nhà cố vấn, sau đó mới đến đoàn đàm phán. Không có sự hỗ trợ, vận động về mặt chính trị, ngoại giao từ tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao, chúng tôi không có điểm tựa và sự tự tin để đi thương thuyết" - một thành viên đoàn đàm phán chia sẻ.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thành viên đoàn đàm phán - cho biết trong 9 năm kể từ khi quyết định khởi động đàm phán, đặc biệt là giai đoạn 3 năm đàm phán nước rút, đã có rất nhiều sự chỉ đạo, định hướng của các cấp lãnh đạo. "Có không dưới 20 tờ trình liên quan đến rất nhiều nội dung với những tiêu chuẩn đòi hỏi ở mức đặc biệt cao trong suốt tiến trình đàm phán" - ông thông tin.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong 7 năm đàm phán EVFTA và EVIPA, cả hai phía Việt Nam và EU đã phải hết sức nỗ lực để thống nhất nội dung hiệp định với dung lượng gần 4.000 trang tài liệu.
Không dừng lại ở đó, trước những khó khăn khách quan từ phía nội bộ EU khiến các thủ tục sau đàm phán không được đẩy nhanh, một năm qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã dốc toàn lực vận động các nước trong khối EU tại nhiều hội nghị quốc tế hoặc trong các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm nhanh chóng tiến tới ký kết chính thức 2 hiệp định.
Tháng 10-2018, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bỉ và EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ trưởng và đoàn công tác của Chính phủ đã có hàng loạt cuộc làm việc với đối tác song phương cùng lãnh đạo EU để thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn, đưa vào hiệu lực với 2 hiệp định EVFTA và EVIPA. Tín hiệu "đèn xanh" rất tích cực từ phía đối tác trong các cuộc làm việc này là việc Ủy ban châu Âu thống nhất thông qua trình Hội đồng châu Âu chấp thuận ký chính thức hiệp định.
Ở chặng đường nước rút cuối cùng, chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech của Thủ tướng vào tháng 4-2019 cũng nhằm thúc đẩy việc ký kết EVFTA với kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội về thương mại đầu tư, hợp tác mới giữa Việt Nam và EU nói chung, với Romania và Cộng hòa Czech nói riêng. Chuyến công du của Thủ tướng lần này có ý nghĩa đặc biệt khi Romania đang là Chủ tịch luân phiên EU.
Trước đó, một trong những nội dung chính tại chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là trao đổi về việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn EVFTA với mong muốn phê chuẩn hiệp định này ngay đầu nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu.
Thành công trong giai đoạn đàm phán cũng như giai đoạn xúc tiến ký kết sau này không phải ngẫu nhiên mà là sự chuẩn bị bài bản của cả quá trình dài. Công tác vận động, xúc tiến của lãnh đạo Đảng, nhà nước diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã có sự hội nhập mạnh mẽ với khu vực và quốc tế cùng rất nhiều đối tác lớn. Vị thế và tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đã tăng lên, tất yếu nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các đối tác lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (ngồi giữa), trưởng đoàn đàm phán đầy kinh nghiệm của Việt Nam. Ảnh: TÚ DƯƠNG
Những ngày khó quên
Tuy vậy, không thể không nhắc đến những cá nhân trong đoàn đàm phán - những người trực tiếp đi qua 14 phiên đàm phán cam go nhất, đã đối mặt và vượt qua từng nút thắt nghẹt thở.
Chúng tôi đã từng nhiều lần đặt vấn đề viết chân dung Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, không chỉ trong thời khắc EVFTA và EVIPA được ký kết mà ngay cả trước kia, khi ông trở về từ Atlanta - Mỹ sau những ngày họp cuối cùng đánh dấu đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) thành công. Tuy nhiên, ông đều từ chối. "Tôi không muốn nói về mình vì tôi chỉ là một cá nhân trong cả tập thể" - ông Khánh từng nói với chúng tôi.
Ông là trưởng đoàn dày dạn kinh nghiệm khi đã từng kinh qua đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng với các trưởng đoàn Việt Nam thời kỳ đó là các ông Nguyễn Đình Lương, Trương Đình Tuyển. Với vai trò người đứng đầu đoàn đàm phán TPP với những phút giây lập luận trước đối tác một cách say sưa như "lên đồng" và quyết liệt, ông được những người trong đoàn gọi là "ông TPP".
Một thành viên đoàn đàm phán nhận xét Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thực sự xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả đoàn đi qua những phiên thảo luận hóc búa với tinh thần không chấp nhận trở về tay trắng. "Ở TPP ông đàm phán xuất sắc như thế nào thì ở EVFTA và EVIPA, ông cũng xuất sắc như vậy. Luôn luôn là phong cách vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, linh hoạt cùng với chuyên môn vững vàng. Không chỉ 30 thành viên trong đoàn gọi ông Khánh là bậc thầy thương thuyết mà các đối tác nước ngoài, nhiều quốc gia trên thế giới dù có hay chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam đều khâm phục khả năng đàm phán của ông. Ở bất cứ phiên đàm phán của hiệp định nào, các nước đều dành cho trưởng đoàn Việt Nam sự tôn trọng rất lớn" - thành viên đoàn đàm phán bày tỏ.
Bà Đinh Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Phòng Hội nhập Đầu tư Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thành viên đoàn đàm phán - cũng chia sẻ ấn tượng sâu sắc về vị trưởng đoàn tài ba. "Ông rất nghiêm túc trong công việc nhưng lại rất tình cảm trong cuộc sống. Ông luôn quan tâm và hài hước để tạo tinh thần thoải mái cho thành viên trong đoàn" - bà Huyền kể.
Bà Huyền cho hay giai đoạn đàm phán liên tục, luân phiên tại Việt Nam và Bỉ trong những năm 2013-2015 đối với bà thực sự đáng nhớ. "Đàm phán EVFTA song song với đàm phán TPP. Chúng tôi đi lại giữa các nước liên tục, nhiều người tưởng đi nước ngoài như vậy là sung sướng lắm! Nhưng thực tế không phải vậy. Chỉ có ai đi chung với những người tham gia thương thuyết, trải nghiệm những tháng mùa đông giá lạnh, phòng khách sạn rất nhỏ, 2 giường kê sát nhau nên không có lối đi, vali phải xoay nghiêng mới kéo lọt vào phòng… mới cảm nhận được sự cố gắng rất nhiều của từng thành viên" - bà Huyền nhớ lại.
Những ngày ở Bỉ, đoàn rời khách sạn từ 8 giờ và trở về lúc 18 giờ, khi tất cả siêu thị đã đóng cửa. Trong vali của mỗi người khi mang theo luôn có sẵn nồi đa năng, mì gói và thức ăn được làm sẵn từ nhà để tự chuẩn bị bữa tối. Với các thành viên đoàn đàm phán, đó là những ngày khó quên.
Gỡ nút thắt trong mở cửa nông sản
Bà Đinh Thị Thanh Huyền kể có nhiều nút thắt trong đàm phán về mở cửa thị trường với nông sản bởi các nước đối tác có chiến lược bảo hộ nông nghiệp rất cao. Tuy nhiên, sau từng phiên, những nút thắt đã được mở dần và kết quả là các sản phẩm nông nghiệp chính của Việt Nam vào EU như mật ong, gạo, cà phê, thủy sản... sẽ được ưu đãi thuế ngay từ năm đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực.
"Thời khắc đáng nhớ nhất là khi đóng lại đàm phán về lời văn của chương "Phát triển bền vững" với các điều khoản về thủy sản. Trong đó, kết quả cuối cùng mà ta đạt được là đã thuyết phục được các nước bạn trong những nội dung về thủy sản đều mang tính hợp tác và khuyến khích thực hiện; các từ ngữ không bị ràng buộc quá nhiều nghĩa vụ" - bà Huyền chia sẻ thêm.