Chiều muộn ngày 3-7, sau hơn 2 giờ kết thúc cuộc trao đổi với đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam (chủ sở hữu và quản lý chuỗi siêu thị Big C Việt Nam), nhiều doanh nghiệp (DN) là nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C vẫn chưa hết bức xúc, hoang mang vì bị đột ngột ngưng nhập hàng.
Khóa mã code, không nhận hàng
Là một trong số ít người trực tiếp tham gia đối thoại với lãnh đạo Central Group, chị T., chủ một DN may mặc có trụ sở tại Hà Nội, cho biết không riêng bà mà nhiều chủ DN khác rất sốc khi đột ngột nhận được email của Central Group thông báo đơn phương tạm dừng nhập hàng vào tối muộn ngày 2-7.
Càng sốc hơn khi chỉ vài giờ sau khi Central Group phát email, từ sáng 3-7 nhà phân phối này đã khóa mã code sản phẩm khiến các siêu thị không thể đặt hàng, nhà cung cấp cũng không giao hàng được. "Chiều nay, nhân viên giao hàng của tôi vẫn không giao được hàng cho Big C ở Cần Thơ dù lúc trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Big C đã khẳng định chỉ ngưng nhập hàng mới còn hàng đã đặt và đang bán ở siêu thị thì vẫn kinh doanh bình thường. Tôi từ Hà Nội phải bay vội vào TP HCM trực tiếp gặp lãnh đạo Big C để hỏi cho ra lẽ nhưng đến giờ họ vẫn trả lời chung chung, chưa biết thế nào" - chị T. lo lắng.
Đại diện Central Group trao đổi với nhà cung cấp chiều 3-7 Ảnh: Thanh Vân
Theo chị T., công ty của chị đã cung cấp quần áo may sẵn cho hệ thống Big C từ năm 2005 và việc hợp tác lâu nay vẫn rất hiệu quả. Trung bình mỗi tháng các siêu thị Big C bán ra khoảng 3-6 tỉ đồng hàng hóa của công ty. "Lâu nay các nhà cung cấp rất tín nhiệm và tôn trọng Big C nhưng lần này, hành xử của Big C với nhà cung cấp như vậy là không chấp nhận được vì đẩy DN đến nguy cơ phá sản" - chị T. nói thêm.
Chị Nguyễn Kim Bích, Giám đốc Công ty May mặc Hiền Trúc, cho biết đã bán các mặt hàng quần áo nữ vào Big C gần 20 năm. "Hơn 20 giờ tối 2-7, họ bất ngờ thông báo ngưng nhận hàng, kể cả những mặt hàng đã đặt may chưa kịp giao. Tính trung bình, mỗi nhà cung cấp sẽ mất 5 - 10 tỉ đồng cho nguyên vật liệu, nhân công, hàng tồn… từ thông báo này của Central Group" - chị Bích nói.
Big C: Chỉ tạm dừng
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtex), cho biết có nghe thông tin DN may mặc bị Big C dừng nhập hàng và đang rà soát lại tình hình từ các hội viên. Số DN hội viên Agtex có cung cấp hàng cho Big C không nhiều. Tuy nhiên, việc nhà bán lẻ tạm ngưng không nhận hàng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN bởi họ đều đã có kế hoạch sản xuất hàng từ trước. Thậm chí, việc tạm ngưng này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN vì hầu hết các nhà cung cấp đều có hàng tồn, hàng chưa giao, thậm chí cả các đơn hàng đang trong quá trình sản xuất.
Cũng trong chiều 3-7, Big C Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí giải thích việc "phát triển mô hình kinh doanh may mặc mới". Trong thông cáo này, Big C khẳng định "việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam".
Theo Big C, hệ thống bán lẻ này đang phát triển các thương hiệu mới, trong đó có ngành hàng may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam. "Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng" - đại diện Big C nói.
Đại diện Big C cho biết đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Bộ Công Thương khuyến khích bán hàng Việt Nam
Trao đổi với phóng viên chiều cùng ngày về vụ việc này, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết phía Big C cũng đã thông tin ban đầu về nguyên nhân tạm ngừng nhập hàng là để rà soát chất lượng hàng hóa, kiểm tra hàng tồn, đồng thời triển khai mục tiêu nhập hàng theo phương thức mới, giảm chiết khấu khâu trung gian và chọn các sản phẩm chất lượng hơn. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các siêu thị này, không có cam kết ràng buộc trong việc phải sử dụng hàng Việt Nam trên kệ siêu thị. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng khuyến khích, đồng thời trên tinh thần tự nguyện, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên dùng nguồn hàng do Việt Nam sản xuất. Sau sự việc này, sẽ tiếp tục đề nghị phía siêu thị có trách nhiệm hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống.
M.Chiến
Big C phát triển các thương hiệu mới
Vụ việc Big C tạm dừng nhập hàng của các nhà cung cấp hàng may mặc trở nên lùm xùm từ đầu giờ chiều ngày 2-7, khi hơn 40 DN cung cấp hàng may mặc cùng nhân công của họ kéo đến trụ sở chính của Big C Việt Nam trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP HCM) căng băng rôn phản đối việc ngưng nhập hàng này. Trong văn bản Central Group gửi cho họ chỉ ghi chung chung là "tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7-2019 cho đến khi có thông báo".
Một số DN cũng cho biết trước văn bản chính thức này, DN đã nhận được thông báo miệng của bộ phận thu mua Big C là sẽ thu hẹp lại diện tích ngành hàng may mặc để mở rộng quy mô siêu thị điện máy Nguyễn Kim (cũng thuộc Central Group).
Trong khi đó, vào chiều 3-7, tại siêu thị Big C Nha Trang, Cần Thơ, Huế vẫn bán hàng may mặc Việt Nam. Ông Vũ Thanh Tân, đại diện truyền thông Big C Việt Nam, cho biết Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới. Big C Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình. Cách tiếp cận tương tự được áp dụng cho ngành hàng may mặc.
Nhóm phóng viên