Bộ Công Thương lý giải việc các nước xử phạt Grab còn Việt Nam lại tuyên "vô tội"?

Thứ sáu, 05 Tháng 7 2019 10:46 (GMT+7)
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết có cách nhìn nhận pháp luật khác nhau giữa các nước trong vụ Grab mua Uber.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 4-7, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đã thông tin một số vấn đề liên quan đến việc đơn vị này vừa khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đối với quyết định xử lý vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có chức năng điều tra, xem xét vụ việc cạnh tranh, có thụ lý vụ việc Grab mua lại Uber. Sau khi đã điều tra, cơ quan này gửi báo cáo và kết luận điều tra liên quan đến Hội đồng Cạnh tranh xem xét xử lý.

Hội đồng Cạnh tranh đã độc lập ra phán quyết không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục các biện pháp cạnh tranh, đối với việc Grab mua lại Uber.

Bộ Công Thương lý giải việc các nước xử phạt Grab còn Việt Nam lại tuyên vô tội? - Ảnh 1.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết có cách nhìn nhận pháp luật khác nhau giữa các nước trong vụ Grab mua Uber - Ảnh minh họa

"Bởi việc việc mua, bán, chuyển nhượng, tiếp nhận việc này không cấu thành theo hình thức mua lại doanh nghiệp được quy định theo Khoản 3, Điều 7 của Luật cạnh tranh năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết luật cạnh tranh"- ông Tân lý giải.

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, quyết định này đi ngược lại hoàn toàn kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và bảo vệ tiêu dùng. Do vậy, thực hiện theo quy trình của Luật Cạnh tranh, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có đơn khiếu nại quyết định nêu trên để Hội đồng Cạnh tranh xem xét lại.

Trả lời câu hỏi tại sao phán quyết của Hội đồng cạnh tranh trong vụ việc này ở Việt Nam lại khác với một số nước như Singapore, Philippines, ông Tân cho biết tại 2 nước này, Grab và Uber đã bị phạt rất nặng bên cạnh các hành vi khác.

"Vấn đề đặt ra cách nhìn nhận pháp luật của các nước khác nhau trong vụ việc Grab mua Uber. Với thể chế khác nhau, quy định pháp luật khác nhau nên không thể thống nhất giữa các quốc gia"- ông Tân nói. Đây chính là lý do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã khiếu nại phán quyết của Hội đồng cạnh tranh.

Trước vấn đề đặt ra liệu Luật Cạnh tranh còn nhiều kẽ hở, không bảo vệ kinh doanh môi trường lành mạnh như các nước, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng việc mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp chỉ không lành mạnh khi có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường, và bị xem xét xử lý.

Tháng 3-2018, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab. 

Sáu tháng sau đó, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore đã quyết định xử phạt Grab và Uber tổng số tiền 9,5 triệu USD (tương đương 13 triệu đô la Singapore) vì thương vụ sáp nhập trên.

Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế