Còn nhiều cản ngại...
6 tháng đầu năm 2019, ngành công thương thành phố đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu của ngành đạt trên 50% kế hoạch năm. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, các hoạt động thương mại- dịch vụ tại thành phố diễn ra khá sôi động trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước thực hiện hơn 66.867 tỉ đồng, đạt 50,33% kế hoạch, tăng 13,04% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu cũng khá tốt, giá trị kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ hơn 1,120 tỉ USD, đạt 50,95% kế hoạch, tăng 7,53% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ như: may mặc tăng 8,77%, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến tăng 10,77%, da giày các loại tăng 6,8%...
Chế biến lúa gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 6 tháng ước tăng 6,52% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,78%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,14%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 4,59%.
Thời gian qua, cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp và thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển. Doanh nghiệp và người dân cũng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Nguồn điện cung cấp cho sản xuất được đảm bảo. Công tác kiểm tra, quản lý thị trường được tăng cường, lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt… Qua đó, đã tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công thương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ.
Song, tình hình phát triển ngành công thương tại thành phố vẫn còn gặp không ít trở ngại. Cụ thể như, thu hút đầu tư còn hạn chế, quá trình thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng logistics, chợ đầu mối, chợ nông thôn và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhà máy chế biến nông thủy sản, trái cây… tại các quận, huyện còn chậm. Tốc độ phát triển công nghiệp của thành phố vẫn còn đạt thấp so với kỳ vọng. Thương mại - dịch vụ có sự phát triển khá mạnh nhưng chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Các loại hình thương mại hiện đại chưa được các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển rộng khắp tại các quận, huyện ngoại thành, mà chủ yếu tập trung tại quận nội ô Ninh Kiều. Thương mại điện tử chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vai trò của một thành phố trực thuộc Trung ương - trung tâm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, tình trạng chợ quá tải, xuống cấp, chợ tự phát… vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, gây không ít khó khăn cho công tác bình ổn thị trường.
Giải pháp kịp thời
Để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh hơn, thành phố cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ các "nút thắt" nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, hệ thống logistics, hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, nhất là thương mại điện tử và các loại hình thương mại hiện đại.
Thành phố cần quan tâm rà soát, điều chỉnh, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phù hợp với tình hình mới, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đến đầu tư, làm ăn có hiệu quả tại thành phố. Đồng thời, xem xét, có các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhiều hơn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, siêu thị và chợ tại các quận, huyện ngoại thành.
Theo ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, chính sách ưu đãi đầu tư về lĩnh vực chợ chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện thủ tục đầu tư khai thác chợ cũng còn rườm rà gây khó khăn và chậm trễ tiến độ cho các nhà đầu tư. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển chợ, các địa phương rất cần sự hỗ trợ của Sở Công thương và các cấp thẩm quyền thành phố trong giải quyết các khó khăn trên.
Muốn xuất khẩu phát triển mạnh và bền vững, Cần Thơ cần phát triển đa dạng thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 2 mặt hàng truyền thống là gạo và thủy sản. Song song đó, cần quan tâm nhiều đến công tác hội nhập quốc tế, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn thách thức. Tăng cường xúc tiến thương mại và các hoạt động kết nối "cung - cầu" hàng hóa, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... để tạo thuận lợi về đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại thành phố. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Để thúc đẩy ngành công thương thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Sở Công thương cùng các sở, ngành hữu quan thành phố, các quận, huyện phải nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ cho được các "điểm nghẽn" cản trở phát triển công nghiệp của thành phố. Đồng thời, kết nối hạ tầng giao thông trong điều kiện mới để làm tốt công tác quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng logistics, chợ đầu mối và những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà thành phố có lợi thế. Tăng cường sự phối hợp các bên liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tập trung đầu tư phát triển các ngành mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cũng như kiểm tra, quản lý tốt thị trường.