Kết quả kinh doanh tích cực cùng với kỳ vọng hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại đã giúp giá cổ phiếu thủy sản tăng mạnh trong năm 2018, bất chấp việc Vn-Index giảm mạnh từ mức đỉnh lịch sử 1.204 điểm, kéo theo giá nhiều cổ phiếu giảm sâu.
Cổ phiếu thủy sản "ăn mừng" EVFTA
Bước sang năm 2019, hai nhóm ngành này tiếp tục được dự báo triển vọng lạc quan do hưởng lợi từ việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 30/6 vừa qua.
Thực tế, việc này đã tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy không còn tăng bằng “lần” như năm 2018, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản cũng tiếp tục khởi sắc.
Có thể kể đến cổ phiếu SJ1 của CTCP Nông Nghiệp Hùng Hậu, đạt 51% từ mức giá 13.900 đồng/cp lên 21.000 đồng/ cp chỉ trong quý I. Sang quý II/2019, SJ1 đã có sự điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn giao dịch quanh vùng giá 20.000 đồng/cp. Hiện tại, sau 6 tháng, giá cổ phiếu này tăng trên 43%.
Ghi nhận mức tăng 243% trong năm 2018, cổ phiếu CMX của CTCP Camimex Group tiếp tục đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2019 lên gần 23.000 đồng/cp (chốt phiên 5/7), ghi nhận mức tăng xấp xỉ 50%. CTCP Camimex Group là 1 trong những doanh nghiệp có tới 70% doanh thu xuất khẩu đến từ EU.
Tương tự, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, KHS của CTCP Công ty Cổ phần Kiên Hùng … cũng tăng thêm hàng chục phần trăm trong nửa đầu năm nay.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngay trước thềm ký kết EVFTA, hàng loạt cổ phiếu ngành này đã nổi sóng “ăn mừng”.
Hai mã CMX của Camimix Group và HVG của Thủy sản Hùng Vương tăng kịch trần lên lần lượt 23.200 đồng/cp và 3.190 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ phiếu CMX khớp lệnh đột biến 84.310 đơn vị, gấp 4 lần so với trung bình 20.000 đơn vị khoảng một tháng qua. Trong khi đó, thanh khoản của cổ phiếu HVG phiên hôm qua đạt 764.480 đơn vị.
ANV, ACL với mức tăng gần 6%. Cụ thể, cổ phiếu ANV của Nam Việt tăng 5,9% lên 27.700 đồng/cp, cổ phiếu ACL của Thủy sản Cửu Long An Giang tăng 5,8% lên 38.200 đồng/cp.
Trong khi đó, cổ phiếu MPC của vua tôm Minh Phú, sau khi lao dốc do thông tin bị cáo buộc tránh thuế phá giá cũng bật tăng trở lại. Trong phiên này, cổ phiếu này tăng 1.700 đồng/cp lên 34.000 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ tăng 5,3%. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác diễn biến tích cực như FMC của Thực phẩm Sao Ta tăng 3% và VHC của Vĩnh Hoàn tăng 2,9%.
Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng ngắn hạn bởi trong những phiên giao dịch ngay sau đó, nhiều mã các cổ phiếu đã quay đầu điều chỉnh, đặc biệt là những cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra.
Vì sao vua tôm Minh Phú vẫn kém "hấp dẫn"?
Đối với ngành thủy sản, năm 2017 và 2018 được coi là giai đoạn “vàng son” khi đạt mức tăng trưởng cao cả về sản lượng và giá cả, đồng thời đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu đã chuyển sang con số âm.
Hàng loạt thị trường quan trọng giảm nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan; trong khi Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Với thị trường EU, câu chuyện rõ ràng hơn khi EU cảnh cáo “thẻ vàng” với thủy sản của Việt Nam từ tháng 10/2017 và liên tiếp hai lần gia hạn “thẻ vàng” trong năm 2018. Đây có thể coi là một áp lực đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Đồng thời, có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành…
Hiện tại, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%.
Phân chia theo thị tường, Mỹ, Trung Quốc và EU là ba thị trường lớn nhất, chiếm đến 57% về giá trị. Theo đó, xuất khẩu sang EU chiếm 10% tổng kim ngạch.
Như vậy, rất khó có thể chờ đợi sự "thăng hoa" của cổ phiếu thủy sản như trong năm 2018 dù EVFTA đã chính thức mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thủy sản.
Đứng trước cơ hội và thách thức từ EVFTA, chia sẻ với truyền thông, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Minh Phú đánh giá, thuế nhập khẩu tôm vào EU về 0 khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành tôm Việt Nam. Ngoài ra, Minh Phú kỳ vọng sẽ tăng trưởng 50 - 100% từ mức thị phần vào EU chiếm 12% sẽ lên được 15 - 20%. Hiện tại, doanh thu xuất khẩu MPC vào thị trường Châu Âu chỉ đạt 6,26 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11%, đứng sau thị trường Mỹ (37%) và Nhật (19%).
Hiện tại, MPC đang giao dịch ở mức P/E trailing khoảng 6,7x, thấp hơn 42% so với mức P/E 11,6 của doanh nghiệp trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do triển vọng ngành tôm chưa có dấu hiệu khả quan và cuộc điều tra liên quan đến phá giá tôm ở Mỹ của Minh Phú còn đang tiến hành, một số công ty chứng khoán vẫn nhận định “cần quan sát thêm” cổ phiếu MPC.
Cũng phải nói thêm rằng, trong điều kiện xuất khẩu qua thị trường Mỹ không thuận lợi, MPC vẫn sẽ có khả năng tập trung xuất khẩu thêm vào thị trường EU. Tuy nhiên, đánh giá từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), với tỷ trọng hiện tại của thị trường EU vẫn ở mức thấp, tác động tích cực có lẽ sẽ không quá lớn.