Chế biến cá tra xuất khẩu là thế mạnh của nhiều DN tại ĐBSCL (ảnh: chế biến cá tra tại DN tỉnh Bến Tre). Ảnh: CTV.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II-2019 của Tổng Cục thống kê, cho thấy: Có 45,2% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Con số này đã cải thiện đáng kể so với quý I-2019. Dự kiến quý III-2019 có 52% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,4% số DN dự báo khó khăn hơn và 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn và giữ ổn định; ở khu vực DN Nhà nước và ngoài Nhà nước tỷ lệ này lần lượt là 86,5% và 87,8%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý II, có 58,4% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 44,3% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,7% số DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 30,5% số DN cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,4% số DN cho rằng lãi suất vay vốn cao và 22,3% số DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.
Mặc dù đối mặt với rất nhiều áp lực thị trường, nhưng có tới 91,9% DN lạc quan cho rằng 6 tháng cuối năm 2019 khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2019 (58,6% số DN dự báo tăng; 33,3% số DN dự báo ổn định); chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm với 91,9% DN dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% số DN dự báo tăng; 37,8% số DN dự báo ổn định), chỉ có 8,1% DN dự báo giảm. Về đơn hàng xuất khẩu, quý III này có 41,7% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,4% số DN dự kiến giảm và 47,9% số DN dự kiến ổn định…
Sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam (ảnh: chuyên gia nước ngoài tìm hiểu hoạt động sản xuất cây giống tại Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam). Ảnh: CTV
Hiện nay, DN khối FDI chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và giữ vai trò chi phối. Điều này cũng chứng tỏ, DN nội đang vất vả trong sân chơi thương mại toàn cầu và để giảm bớt áp lực, tồn tại DN cần thay đổi từ chiến lược phát triển đến tư duy quản trị nhân lực, tài chính, quản trị rủi ro. Bởi chỉ có DN mới biết mình đang thiếu và yếu về mặt nào để thay đổi. Với độ mở của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai, tiến trình hội nhập sẽ sâu rộng hơn, buộc DN phải chuyển động để không bị bỏ lại.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam đã ký 12 FTA với các quốc gia, khu vực trên thế giới và đã có hiệu lực thi hành; 1 FTA vừa ký tháng 6-2018, chưa có hiệu lực và 3 FTA đã khởi động đàm phán từ 2012 đến nay, chưa ký kết. Tuy nhiên, con số DN trong nước tận dụng các cơ hội mở từ FTA này chưa tới 5%; trong khi DN FDI tận dụng rất tốt cơ hội xuất nhập khẩu và ưu đãi thuế quan. DN trong nước còn lúng túng với các quy định của FTA về xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội của DN, môi trường làm việc của người lao động… từ các nước nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tận dụng các cơ hội từ FTA, DN nội phải chuyển động, tăng đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển), vấn đề quan trọng là liên kết ngành hàng, liên kết vùng sản xuất nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến và đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Trên thực tế, hoạt động R&D rất ít DN nội có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện, mà cần sự liên kết, đặt hàng với các viện, trường. Song, từ nghiên cứu đến ứng dụng trong sản xuất, phát triển còn là chu trình dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý liên quan để đảm bảo lợi ích hài hòa các bên và không bị lãng phí nghiên cứu, do có khi kết quả nghiên cứu bị đóng nắp do không thỏa thuận được quyền sở hữu giữa DN và cơ quan nghiên cứu. Và thay đổi là cần thiết để giúp DN tận dụng tốt các cơ hội thị trường.