Ngày 24/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Nguyễn Thị Mộng Trinh (ở thị trấn Kinh Cùng). Khi nhận quyết định cưỡng chế này, bà Trinh khởi kiện hành chính và yêu cầu TAND ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để không bị cưỡng chế.
Bảng vẽ dự án.
Theo đó gia đình bà Trinh có 117 m2 đất (trong đó có 73m2 đất ở), được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) vào năm 2009. Đây là bất động sản duy nhất của gia đình bà và được chính quyền thị trấn xác nhận không đất ở nào khác. Hộ bà Trinh có 4 nhân khẩu, do bị qui hoạch nên gia đình bà không được xây nhà, phải sống nhờ nhà người dì ruột.
“Nhiều năm trước, chủ đầu tư thực hiện dang dở, bỏ chạy, tôi có ý định cất nhà thì chính quyền khuyên là không nên xây, trước sau gì cũng bị giải tỏa sẽ lãng phí. Chờ khi nào giải tỏa, cấp tái định cư thì xây cho ổn định” - bà Trinh chia sẻ.
Năm 2016, dự án có nhà đầu tư mới, hộ bà Trinh bị UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, giải tỏa trắng. Do không có nhà, bà Trinh được bồi thường đất ở 298.000 đồng/m2 và đất CLN là 57.000 đồng/m2. Tổng số tiền bồi thường về đất chưa được 24,5 triệu đồng (?!). Tổng số tiền theo thông báo bà “được nhận” là khoảng 33,5 triệu đồng nhưng không được giải quyết nền tái định cư.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh có 132,7 m2 đất ở, được cấp CNQSDĐ, được chính quyền xác nhận không còn đất ở nào khác. Cũng vì qui hoạch treo, không xây được nhà, vợ chồng con cái phải ở chung với cha mẹ. Khi dự án có chủ đầu tư mới thì chỉ nhận được vài chục triệu đồng tiền bồi thường về đất mà không có tái định cư. Gia đình anh Nguyễn Tuấn Huy có 292,8m2 đất bị thu hồi để làm dự án, trong đó có 200m2 đất ở, giờ giải tỏa trắng cũng không biết ở đâu.
Chua xót hơn như hoàn cảnh bà Lý Thị Tuyết Phượng, Nguyễn Thị Mộng Lam, có đất bị qui hoạch không xây được nhà, phải thuê nhà trọ để sinh sống. Nay đất bị giải tỏa trắng, vì “không phải di chuyển chỗ ở” nên không được tái định cư.
Được biết, dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại (KDC - TTTM) Hồng Phát có diện tích 5,4ha, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (gọi tắt là Công ty Hồng Phát) làm chủ đầu. Tổng cộng 77 hộ bị ảnh hưởng, có đất bị thu hồi. Theo số liệu từ Trung tâm Phát triển quỹ đất, chi nhánh huyện Phụng Hiệp dự án có tổng cộng 37 nền TĐC, đã có 59 hộ nhận tiền, còn 18 hộ chưa đồng ý nhận tiền trong đó có 14 hộ có đất ở (do không có nhà trên đất - PV), 4 hộ có đất nông nghiệp không được xét tái định cư.
Công văn của Văn phòng UBND tỉnh.
Trước đơn khiếu nại cũng như thấy được nguyện vọng chính đáng của dân, ngày 30/10/2018, UBND huyện Phụng Hiệp cho tờ trình xin ý kiến áp dụng phương thức bồi thường về đất cho dân như nói trên.
Tuy nhiên, ngày 7/11/2018, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang có Công văn số 5135, do ông Nguyễn Chí Hùng (Chánh Văn phòng) truyền ý kiến của Thường trực UBND tỉnh rằng “Thống nhất việc áp dụng phương thức bồi thường về đất bằng tiền đối với trường hợp thu hồi đất ở mà không di chuyển chỗ ở (không có nhà ở)”.
Từ công văn này “xem như là quan điểm của cấp trên” nên việc khiếu nại, nguyện vọng được tái định cư xem như bị bác đơn.
Theo chuyên gia Luật Đất đai - Nguyễn Văn Điều (TP Cần Thơ): “Nguyện vọng và nhu cầu bức thiết về tái định cư của người dân hoàn toàn phù hợp với qui định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 6 Nghị định 47/2014 của Chính phủ và Điều 79 Luật Đất đai 2013 nêu “không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở” thì Nhà nước bồi thường bằng tiền mà ở đây dân có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 86 Luật Đất đai 2013: “Người có đất thu hồi được bố trí TĐC tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án TĐC hoặc có điều kiện bố trí TĐC”. Với một dự án nhà ở kinh doanh thương mại mà không bố trí tái định cư là điều vô lí”.
Theo Quyết định số 141, ngày 23/1/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết KDC - TTTM Hồng Phát phê duyệt thiết kế đô thị có đến 232 lô Nhà ở liên kế kinh doanh và 25 lô Nhà ở liên kế TĐC. Rõ ràng, việc khảo sát chưa sát với thực tế về số trường hợp phải bố trí tái định cư khi giải tỏa, thu hồi đất của chính quyền địa phương.
Khi người dân có khiếu nại chính đáng thì trả lời với báo chí, UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng việc không bố trí nền TĐC là do không có quỹ đất là thiếu trách nhiệm. Bởi chính quyền phê duyệt cho DN được phân 232 nền kinh doanh, bán với giá hàng trăm triệu đồng/nền từ đất giải tỏa của người dân nhưng không có đất bố trí nền tái định cư là “quên” thực hiện “quyền đảm bảo an sinh xã hội” như Điều 34 của Hiến pháp 2013.
Đất của Chủ tịch UBND huyện được bồi thường cao hơn đất của dân: Theo quyết định bồi thường đối với người dân bị ảnh hưởng dự án Khu dân cư và Trung tâm thương mại Hồng Phát thì giá bồi thường đối với đất ở là 298.000 đồng/m2; đất cây lâu năm là 57.000 đồng/m2 (theo khung giá mà UBND tỉnh Hậu Giang áp dụng từ năm 2014 - 2019). Thế nhưng, ông Nguyễn Chí Hùng (Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp) có 4.016,7 m2 đất ruộng, nằm vị trí thâm hậu (gần bãi rác) cũng ở thị trấn Kinh Cùng bị ảnh hưởng bởi dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác sinh hoạt Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, do UBND huyện Phụng Hiệp và UBND tỉnh Hậu Giang nhiều lần điều chỉnh, cùng với hệ số thì giá đất ruộng mà ông Hùng được nhận là 84.000 đồng/m2. Trong khi đó, đất của dân là đất cây lâu năm, nằm vị trí gần đường gần chợ mà chỉ được bồi thường có 57.000 đồng/m2. |