Ngành mía đường "tụt dốc"

Thứ hai, 29 Tháng 7 2019 08:51 (GMT+7)
Cần nhiều giải pháp đồng bộ cho bài toán tồn tại và phát triển ngành mía đường

Đầu tháng 7, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về việc tạm ngừng sản xuất Nhà máy Đường Vị Thanh - 1 trong nhà 2 nhà máy đường của công ty trên địa bàn tỉnh. Với thông báo này, CASUCO đã làm dày hơn danh sách các nhà máy mía đường ngưng hoạt động trong thời gian qua.

Sản xuất không còn hiệu quả

Nguyên nhân đóng cửa được đưa ra là do sản xuất mía đường không còn hiệu quả, thua lỗ liên tục; người trồng mía không còn quan tâm chăm sóc dẫn đến giảm năng suất, chất lượng hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác nên không đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. Dù tạm đóng cửa, CASUCO vẫn tiếp tục thu mua mía mà đơn vị đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu trong vùng nguyên liệu của công ty.

Ngành mía đường tụt dốc - Ảnh 1.

Người trồng mía đang ngày càng khó khăn Ảnh: NGỌC TRINH

Trước đó, Nhà máy Đường Hiệp Hòa ở Long An đã đóng cửa mà không thông báo trước. Tương tự, Nhà máy Đường Bình Định đã ngưng hoạt động nhiều tháng qua. Cả 2 nhà máy trên vẫn còn nợ tiền mua mía của nông dân, chưa biết khi nào mới trả. Tập đoàn Thành Thành Công Sugar (TTC) cũng có thông tin tạm dừng hoạt động Nhà máy Đường Nước Trong (Tây Ninh) để tái cơ cấu, chuyển đổi sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. TTC còn tái cấu trúc một số nhà máy quy mô nhỏ theo hướng chuyển sang sản xuất đường hữu cơ, đường phèn, đường có giá trị gia tăng để phù hợp với thị trường ngách. Cụ thể: Nhà máy Đường Nước Trong sản xuất đường organic, nhà máy đường ở Phan Rang sản xuất đường hạt to.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), số lượng nhà máy đường trên cả nước đã giảm từ 46 còn 42 trong năm 2017 và cập nhật mới nhất trong năm 2019 là 36. Hiện nhiều nhà máy duy trì hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019-2020.

Theo dõi ngành mía đường hàng chục năm, GS-TS Võ Tòng Xuân đánh giá các nhà máy đường trong nước gặp khó khăn, phải ngưng hoạt động là xu hướng tất yếu. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đóng cửa hàng loạt nhà máy sản xuất đường. Đài Loan đã đóng cửa 39 nhà máy đường, chỉ duy trì 3 nhà máy để tinh luyện đường trắng (nhập nguyên liệu đường vàng từ Úc và Thái Lan với giá rẻ), Philippines cũng đóng cửa hơn 10 nhà máy. Nhiều quốc gia chuyển đổi đất nhà máy, đất trồng mía sang kinh doanh bất động sản, du lịch, trồng cây khác để tạo sinh khối phục vụ cho các nhà máy điện. "Tại Việt Nam, giá thành sản xuất 1 tấn mía lên đến 50 USD nên không thể cạnh tranh được với Brazil chỉ có 16 USD, Úc 18 USD và Thái Lan là 30 USD" - GS-TS Võ Tòng Xuân so sánh.

Quá nhiều bất lợi

Một trong những nguyên nhân VSSA đưa ra để lý giải tình trạng ngành đường trong nước tụt dốc là do đường lậu từ Thái Lan thao túng thị trường hàng chục năm nay. Đường lậu xấp xỉ 50% sản lượng đường trong nước, giá mua sát biên giới Việt Nam - Thái Lan chỉ 8.000 đồng/kg, bán ra thị trường 10.000 đồng/kg, trong khi giá đường tại nhà máy của Việt Nam đã 12.500 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường 18.000-20.000 đồng/kg. Chênh lệch giá cao như vậy nên đường trong nước khó tiêu thụ, hiện tồn kho ở nhà máy đã khoảng 600.000 tấn. Ngoài ra, tình trạng nhập khẩu đường lỏng (HFCS) giá rẻ, thuế nhập khẩu 0% tiếp tục gia tăng cũng gây khó khăn cho các nhà máy đường. Số liệu của VSSA ghi nhận năm 2014 cả nước nhập khẩu 46.000 tấn đường nước, đến năm 2018, con số này lên khoảng 140.000 tấn.

Theo giới chuyên môn, từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA có hiệu lực sau 2 năm tạm hoãn, đường nhập khẩu trong khu vực sẽ có thuế suất 0%. Lúc đó, đường Thái Lan sẽ phải nhập lậu vào Việt Nam. Các nhà máy đường trong nước muốn tồn tại phải hạ giá theo đường Thái Lan, đồng nghĩa với thua lỗ sẽ nặng hơn và đóng cửa nhiều hơn.

Thống kê của VSSA chỉ ra rằng năm nay, tình hình sản xuất mía đường thêm sa sút, diện tích trồng mía giảm thêm 20%, còn khoảng 200.000 ha; sản lượng mía ước từ 10-11 triệu tấn, sản lượng đường đạt 1 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018-2019. Nhiều nhà máy không có tiền thanh toán mía nguyên liệu cho nông dân. Ngoài ra, ngành mía đường đang đối diện với tình trạng thiếu hụt vốn lưu động do các ngân hàng thắt chặt cho vay. Trước thực trạng đó, VSSA cho rằng phải cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân với tỉ lệ 70/30 (giá một tấn mía nguyên liệu phải tương đương 70 kg đường). Song song đó, cơ quan chức năng cần bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng với thuế suất 12%.

Bài toán tồn tại và phát triển ngành mía đường, theo VSSA, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn đường nhập lậu; tăng thuế nhập đường lỏng lên 12% để giảm lượng đường nước nhập vào Việt Nam. VSSA cũng đã kiến nghị xem xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường thêm 2-3 năm nữa. Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn để doanh nghiệp có vốn thu mua mía nguyên liệu cho nông dân; tập hợp các hộ dân canh tác mía thành cánh đồng lớn vài chục ngàn hecta trở lên để cơ giới hóa, từ đó giảm giá thành sản xuất; cải tạo giống mía có chữ đường cao hơn... 

Nông dân trồng mía lỗ nặng

Tại khu vực ĐBSCL, để mỗi công đất (1.000 m2) trồng mía đạt năng suất 10-11 tấn/năm, nông dân phải đầu tư khoảng 10-12 triệu đồng. Giá mía tại ruộng khoảng 700-800 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ nặng. Một số hộ phải cầm cố đất đai cho ngân hàng để vay tiền trồng mía nhưng càng đầu tư càng lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng. Nhiều hộ chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi thủy sản.

Nguyễn Hải - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế