Siết chặt kỷ cương, kỷ luật kiểm soát thị trường

Thứ ba, 30 Tháng 7 2019 09:45 (GMT+7)
Ðó là chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCÐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCÐ 389/QG) tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của 2 Ban Chỉ đạo này. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào thị trường nội địa, trên bao bì, nhãn mác hàng có ghi dòng chữ “Made in Viet Nam”. Phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ chủ yếu là thay nhãn, thay xuất xứ hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc sang chiết, đóng gói, thay nhãn, để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa hoặc đưa đi xuất khẩu ở các thị trường khác. Hàng hóa vi phạm phổ biến gồm các mặt hàng: thực phẩm, rau củ quả; hàng dệt may; quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em; đồ dùng, thiết bị giáo dục, chất tẩy rửa, hàng gia dụng, điện gia dụng, điện tử, thiết bị xây dựng...

Trên tuyến biên giới Tây Nam bộ, với đặc điểm biên giới nhiều sông, rạch, địa bàn trọng điểm là cách tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, các đối tượng buôn bán, vận chuyển chủ yếu bằng ghe xuồng các mặt hàng như: thuốc lá điếu, đường cát, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng. Ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, ngoài mặt hàng thuốc lá điếu ngoại, đường cát, hàng hóa buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh còn có: dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, điện lạnh qua sử dụng. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm ma túy buôn lậu qua biên giới tỉnh tăng, tính từ tháng 2-2019 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã phá được 3 chuyên án, thu giữ trên 70kg ma túy. 

Tại cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm trong vận chuyển như: vàng, động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thiết bị công nghệ, thời trang cao cấp... Tuyến đường biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu... trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, miền Trung và phía Nam. Đặc biệt, vi phạm đối với mặt hàng xăng dầu có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng. Đó là việc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, trung chuyển để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa vẫn là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Đối với thị trường nội địa, các mặt hàng vi phạm như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu... điển hình là đường dây sản xuất, kinh doanh xăng giả với quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố (do Trịnh Sướng cầm đầu). Nguy hiểm hơn, các đối tượng người nước ngoài cấu kết với người địa phương thuê kho, xưởng để tàng trữ, pha chế ma túy, vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ. Hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng internet diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được kiểm soát chặt nên vẫn còn xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, thực tế việc ngăn chặn buôn lậu ở các tuyến biên giới chủ yếu là ngăn chặn người vận chuyển, chưa bắt được những đầu nậu lớn. Trong khi các đối tượng vận chuyển là những người dân sinh sống tại biên giới... Do đó, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất hàng hóa để giảm giá thành sản phẩm nhằm ngăn chặn hàng ngoại nhập lậu (đặc biệt là mía đường – mặt hàng buôn lậu lớn do có sự chênh lệch giá).

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, vụ việc kinh tế khởi tố về buôn lậu, hàng giả đều tăng, trong đó, khởi tố bị can tăng 80%. Triệt phá các đường dây, bắt được đối tượng cầm đầu để xử lý theo pháp luật tăng kể cả trên đường bộ, đường không, đường biển. Thực tế vẫn còn dấu hiệu bảo kê, tiêu cực của các cán bộ quản lý. Theo thống kê của C03 tại 25 địa phương có đường biên giới, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 4 địa phương khởi tố án buôn lậu. Do đó, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, cần đẩy mạnh thực hiện tốt Chương trình hành động 620 của Chính phủ về việc phát triển đời sống cho người dân phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên, nhằm nâng cao đời sống của người dân, từ đó các đối tượng đầu nậu không lợi dụng khó khăn của người dân để phạm tội. Công tác phối hợp trong giám định, trả lời các yêu cầu của vụ án, cần phải thực hiện nhanh chóng...

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chi Minh, cho biết, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu và hàng giả, thành phố sẽ tiếp tục mở các đường dây nóng để ghi nhận tố cáo, tố giác của người dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người dân đề cao cảnh giác, phối hợp với chính quyền, nhất là đối với những hộ gia đình cho thuê kho, bến bãi, nhằm tránh trường hợp trở thành điểm tập kết hàng hóa vi phạm. Hiện nay, các đối tượng buôn lậu sử dụng công nghệ hiện đại nhằm gây khó khăn cho công tác thanh tra, xử lý. Do vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ có những lớp chuyên đề tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng, nhưng đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ quản lý vẫn là hàng đầu. Những tháng cuối năm cũng là thời điểm các đầu mối chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Canh Tý 2020, đây cũng là thời điểm các đầu nậu đưa hàng gian hàng giả vào thành phố. Do đó, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh công tác rà soát kho bãi, điểm tập kết hàng hóa và hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Theo BCĐ 389/QG, 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018; thu nộp ngân sách nhà nước gần 6.166 tỉ đồng, khởi tố 1.311 vụ với 1.546 đối tượng.

Bài, ảnh: Khánh Nam - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế