Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu: Đừng để mất cơ hội

Thứ năm, 01 Tháng 8 2019 14:30 (GMT+7)
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết vào cuối tháng 6/2019. Trong đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu được xem là hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là chính sách về thuế.

Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm thủy sản Minh Bạch (TX. Giá Rai) đóng gói tôm xuất khẩu. Ảnh: L.D

NHIỀU CƠ HỘI TỐT

Bạc Liêu được coi là “vựa tôm” khi đứng thứ 2 cả nước về sản lượng, cũng như tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đứng trong tốp 10 của cả nước về lượng hàng xuất khẩu thủy sản hàng năm.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong 7 tháng đạt hơn 396 triệu USD, bằng 54,36% kế hoạch và tăng 5,77% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 374 triệu USD, bằng 54,27% kế hoạch và tăng 6,67% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng chủ yếu tập trung ở mặt hàng tôm với sản lượng chế biến tôm đông lạnh trên 36.833 tấn.

Có thể nói, việc EVFTA được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản khi châu Âu có đến 28 quốc gia và trên 500 triệu dân - một thị trường tiêu thụ vô cùng lớn. Song, điều phấn khởi là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ trút được gánh nặng và nỗi lo về thuế quan. Bởi, theo cam kết trong EVFTA, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên phải áp dụng hạn ngạch thuế quan) với lộ trình dài nhất là 7 năm.

Đặc biệt, đối với mặt hàng tôm, thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo, thay vì như hiện nay tùy theo mặt hàng phải chịu thuế bình quân từ 10 - 20%. Đây thật sự là lợi thế và tạo ra khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường tiêu thụ, giá bán khi các quốc gia xuất khẩu tôm khác không được hưởng mức thuế GSP mà EU dành cho. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng trước nhiều cơ hội khi mức thuế về 0% và thị trường châu Âu sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuất khẩu thủy sản phát triển.

Phải liên kết hợp tác với nông dân

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu cũng không phải là chuyện dễ làm khi các doanh nghiệp phải tuân thủ hàng loạt quy định đã được nêu trong EVFTA. Trong đó, quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng là quan trọng nhất. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện này. Đơn cử như để thực hiện con tôm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, doanh nghiệp phải có vùng nuôi, xây dựng quy trình nuôi tôm sạch và đạt chuẩn theo quy định. Để giải quyết tốt các điều kiện này, doanh nghiệp phải liên kết hợp tác với nông dân, hoặc thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản…

Toàn tỉnh hiện có 22  nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn, nhưng đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu liên kết sản xuất với nông dân. Đó là Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú ký kết với HTX Đồng Tiến và THT Tiền Phong thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn Global Gap/ASC (huyện Đông Hải); Công ty Tôm miền Nam ký kết với HTX nuôi tôm Thành Đạt (xã Long Điền, huyện Đông Hải) và THT Thành Công (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) thực hiện nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn ASC.

Từ thực tiễn trên cho thấy, để xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải liên kết sản xuất với nông dân để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn; đồng thời tổ chức lại sản xuất. Bởi, theo cam kết trong EVFTA còn có nhóm các nguyên tắc về điều kiện lao động hết sức quan trọng, bao gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp…

Cùng với đó, việc tăng cường đầu tư về khoa học - công nghệ và nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân trong việc đa dạng hóa ngành hàng, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao (thay vì chỉ xuất khẩu tôm đông như lâu nay) cũng cần được tính đến. Từ đó mới có thể phát huy hiệu quả nguồn lợi và mang lại giá trị kinh tế cao cho hàng thủy sản xuất khẩu, mà con tôm là mặt hàng chủ lực.

Kim Trung - (baobaclieu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế