Thu hoạch tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều thách thức
Ông Lê Đình Tiến, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ nuôi trồng thủy sản TOMSAIGON, chia sẻ: “Biến đổi khí hậu, thay đổi giống và mật độ thâm canh làm cho ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh gây chết hàng loạt. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng sử dụng trong ngành nuôi tôm cũng đang gặp khó vì chi phí ngày càng tăng, tác động xấu tới môi trường làm biến đổi khí hậu… đang làm đau đầu cả người nuôi lẫn nhà quản lý. Trong khi đó, thị trường liên tục yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu: Giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường”.
Đồng quan điểm trên, theo ông Trần Đức Trung, Giám đốc bộ phận công nghệ số, Công ty Cổ phần FPT, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng yêu cầu cao về việc kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất (trong quá trình xử lý nước); thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi; điều kiện thu hoạch vận chuyển và lưu trữ; truy xuất nguồn gốc từ con giống đến sau chế biến đóng gói (SIMP). Trong khi đó, theo một số khảo sát, hiện nay công nghệ tự động hóa được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất… Tuy nhiên, trong khâu nuôi mức độ ứng dụng công nghệ còn rất hạn chế, đặc biệt với quy mô sản xuất nhỏ lẻ của ngành tôm.
Ở khâu tiêu thụ, hiện giá bán tôm thành phẩm ngày càng cạnh tranh tại thị trường trong nước và các quốc gia có thế mạnh nuôi thủy sản như: Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… Trong khi giá thành sản xuất trong nước ngày càng tăng do chi phí nguyên liệu, chi phí nhân công và các loại thuế rào cản của các quốc gia nhập khẩu. “Thực tế này buộc doanh nghiệp và người nuôi phải cập nhật thông tin thị trường, tiết giảm chi phí sản xuất, cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng vào nuôi trồng, chế biến và tạo ra thành phẩm phù hợp hơn với nhu cầu và tiêu chuẩn gắt gao từ các nhà mua hàng”-ông Trịnh Đặng Khánh Toàn, Tổng Giám đốc điều hành T.C Group nhấn mạnh.
Cải tiến, thích ứng
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm tôm. Ông Vũ Đức Trí, Giám Đốc Quản lý doanh nghiệp Tập đoàn Việt Úc, cho biết: “Tập đoàn đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển thương hiệu tôm Việt Nam, góp phần đưa con tôm trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Điều này thể hiện ở các khía cạnh: Phát triển con giống; hình thành các khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao theo quy trình khép kín; thức ăn và môi trường nuôi. Với quy trình nuôi khép kín, đảm bảo chất lượng từ gốc đã góp phần mang lại giá trị gia tăng thiết thực cho ngành tôm như: Truy xuất nguồn gốc; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; năng suất cao và ổn định; giảm diện tích đất sử dụng, đảm bảo phát triển bền vững; kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.
Theo ông Ngô Tiến Chương, đại diện Tổ chức GIZ, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết đã bắt đầu phát huy hiệu lực và việc con tôm phải cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa là không thể tránh khỏi. “Cạnh tranh sẽ tác động rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi xác định được vấn đề này, mỗi doanh nghiệp phải lưu ý xây dựng kế hoạch phù hợp với lĩnh vực hoạt động, quy mô, năng lực của mình để đối phó với thách thức”-ông Ngô Tiến Chương nói.
Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật trong cách mạng 4.0 trên toàn cầu đang được ứng dụng triệt để vào ngành nuôi tôm tại Việt Nam và mang lại những hiệu quả sản xuất kinh doanh rất rõ rệt. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, IoT, trí tuệ nhân tạo AI và một số năng lượng thay thế giúp giảm đáng kể giá thành sản xuất tôm và tăng sự phát triển bền vững khi năng lượng truyền thống đang ngày càng khan hiếm. Ông Lê Đình Tiến, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ nuôi trồng thủy sản TOMSAIGON, cho biết: “Công ty Tôm Sài Gòn tuy chỉ mới tham gia ngành tôm chưa quá 5 năm, nhưng chúng tôi đang nhìn thấy một xu thế phát triển bền vững của ngành nuôi tôm đó là phải ứng dụng triệt để và nhanh chóng tất cả các công nghệ nuôi mới nhất hiện nay. Việc ứng dụng này nhằm đến 3 mục tiêu cuối cùng của ngành sản xuất tôm: Giảm chi phí-tăng hiệu quả-phát triển bền vững”.