Kiến tạo một ĐBSCL thịnh vượng - Bài 1: Dấu ấn 120

Thứ hai, 12 Tháng 8 2019 11:03 (GMT+7)
Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ "Về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu" (Nghị quyết 120) đưa ra 4 quan điểm chính; đó là: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng; thay đổi tư duy phát triển; tôn trọng quy luật tự nhiên và phát triển bền vững. Các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều nhận định đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn rất thực tế của Đảng, Nhà nước với mong muốn làm thay đổi và khắc thêm dấu ấn cho ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).

ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước và là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, vùng đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 75% sản lượng thủy sản và 65% sản lượng trái cây cả nước. ĐBSCL hiện đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Vùng còn có vị trí thuận lợi trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong. Trong những năm qua, Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển của vùng. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế-xã hội; đời sống và thu nhập người dân được cải thiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Ảnh: V.T

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Ảnh: V.T

Động lực phát triển

Nghị quyết 120 đưa ra những định hướng chiến lược, tạo thêm nguồn cảm hứng cho sự phát triển của ĐBSCL. Để thực hiện, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng ĐBSCL đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, cho biết: Tổng số vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vùng ĐBSCL (chưa bao gồm 10% dự phòng) gần 194.000 tỉ đồng chiếm 16,53% so với cả nước (chiếm 40% tổng chi đầu tư phát triển của vùng). Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu gần 80.000 tỉ đồng, còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương. Thông qua các bộ, nguồn vốn đầu tư công trung hạn được bố trí đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp 28.200 tỉ đồng; giao thông 32.961 tỉ đồng; y tế 947,5 tỉ đồng và các địa phương trong vùng đều đã được đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh với trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ.

Ngoài ra, nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã bố trí xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 là 1.500 tỉ đồng. Những chính sách ưu đãi ở mức cao nhất như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản của hợp tác xã; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp… được triển khai hiệu quả. Các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương được phổ biến rộng khắp, đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay của 10 Quỹ đầu tư phát triển địa phương vùng ĐBSCL đạt trên 1.800 tỉ đồng. Các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển, bảo vệ môi trường… đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách.

Bộ KH&ĐT cũng đang rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ cân đối nguồn lực trình cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, BĐKH và tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để đề xuất một số dự án mới triển khai trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL. Song song đó, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng còn thiết lập dữ liệu liên ngành, cập nhật và hệ thống hóa để phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, hoạch định chính sách; chuyển giao các kết quả nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững.

Mô hình sản xuất lúa giống thích nghi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện tại vùng ĐBSCL. Ảnh: B.T

Mô hình sản xuất lúa giống thích nghi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn được triển khai thực hiện tại vùng ĐBSCL. Ảnh: B.T

Bước chuyển mới

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức tại TPHCM mới đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Vai trò của ĐBSCL đối với cả nước là rất lớn. Nghị quyết 120 được ban hành đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng,… Các địa phương vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn thách thức, nhân dân đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia. Các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả. Nhờ đó, sau hai năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng.

Người dân ĐBSCL bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo cho sinh hoạt, thắp sáng, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà hộ dân. Ảnh: V.T

Người dân ĐBSCL bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo cho sinh hoạt, thắp sáng, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà hộ dân. Ảnh: V.T

Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương, Nghị quyết 120 đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, các mô hình phát triển thuận thiên được chú trọng phát triển; hệ thống các cơ chế chính sách được cụ thể hóa qua các nghị quyết. Thủ tướng đã phê duyệt phát triển ĐBSCL đến 2030 tầm nhìn 2050. Nông nghiệp phát triển theo xu hướng giảm lúa, tại 3 vùng sinh thái: ngọt, mặn, lợ đã chuyển đổi hơn 10.000ha đất lúa sang trồng thủy sản, cây ăn trái, vật nuôi trong 2 năm qua. Phát triển công nghiệp xanh, an sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Diện mạo nông thôn được khởi sắc, tính đến hết tháng 6 năm 2019, toàn vùng có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,06%), bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã (bình quân chung cả nước là 15,26 tiêu chí/xã)…

Từ nguồn kinh phí Trung ương và TP Cần Thơ kè chống sạt lở sông Thốt Nốt xây dựng hoàn thành, góp phần chỉnh trang đô thị và ứng phó sạt lở. Ảnh: B.V

Từ nguồn kinh phí Trung ương và TP Cần Thơ kè chống sạt lở sông Thốt Nốt xây dựng hoàn thành, góp phần chỉnh trang đô thị và ứng phó sạt lở. Ảnh: B.V

Riêng từ khi Nghị quyết số 120 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí 10.607 tỉ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự... Điểm nghẽn về nguồn vốn cũng đang được quan tâm giải quyết để bố trí nguồn lực nhà nước cho phát triển vùng: Vốn bổ sung cho các dự án xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm là 2.500 tỉ đồng. Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, đã giao 3.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho 20 dự án tại ĐBSCL. Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án công trình thủy lợi, thủy sản, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu khu vực ĐBSCL...

Mặc dù tạo bước chuyển lớn từ Nghị quyết 120, song phát triển của đồng bằng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nhiều chuyên gia, các tổ chức quốc tế đánh giá Nghị quyết 120 là một nghị quyết sáng giá, với tư duy hiện đại về phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Nghị quyết được cô đọng lại là: phát triển "thuận thiên"; chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Đây là tầm nhìn đúng đắn, bởi bản chất ĐBSCL là một hệ mở, thông với biển và tự cân bằng thành ba vùng ngọt, mặn, lợ và người dân đồng bằng đã biết cách thích ứng từ nhiều thế hệ. Nghị quyết đã truyền cảm hứng cho sự phát triển của đồng bằng, nhưng độ lan tỏa của nghị quyết chưa cao, các địa phương còn lúng túng thực hiện nghị quyết kể cả trong cấp lãnh đạo và người dân.

Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 7,5%; nông nghiệp chiếm 28,46%; công nghiệp- xây dựng chiếm 26,54%; dịch vụ chiếm 42,12% trong cơ cấu kinh tế. Riêng năm 2018, tăng trưởng GDP của vùng đạt mức ấn tượng là 7,8% cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 7,1%). Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, ĐBSCL đã có những kết quả ấn tượng trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ.
GIA BẢO - LÊ THANH - HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế