Lo cho "hàng chạy chợ"
Mùa trái chính vụ vừa qua nhà vườn trồng xoài lạc quan đón tin mới xuất khẩu xoài qua Mỹ. Tuy mới vài đợt bán buôn chào hàng ban đầu, số lượng ít nhưng khả quan như một số trái cây thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa, bưởi, chanh… bán được vào những thị trường cao cấp, khó tính. Trong khi phần lớn trái cây tươi ở các tỉnh trong vùng còn tiêu thụ nội địa và bán qua Trung Quốc hay gặp tình trạng giá cả lên xuống bất thường.
Điểm lại từ những tháng đầu năm 2019, nhà vườn trồng cây ăn trái gặp thuận lợi do giá bán trái cây khá tốt. Đặc biệt, các loại cây ăn trái chủ lực đang được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhà vườn tiếp tục mở rộng diện tích như thanh long, sầu riêng, bưởi, mít Thái…
Tuy nhiên, sau khi qua đợt hái trái đầu vụ, trái cây chín rộ hàng nhiều bán sang Trung Quốc lại gặp cảnh cũ, giảm giá, thậm chí có lúc họ ngừng mua. Một thương lái trái cây tại Cần Thơ thường bán hàng sang Trung Quốc kể, trong hơn một tháng đầu bán được giá khá cao, nhất là sầu riêng Ri6, Mongthong 70.000-80.000 đồng/kg. Mít Thái "siêu sớm" có thương lái mua trên 70.000 đồng/kg. Thanh long ruột đỏ loại 1, giá 30.000-40.000 đồng/kg… đem lại thu nhập khá. Đến cuối tháng tháng 6, giá một số loại trái cây bắt đầu chao đảo. Sầu riêng loại ngon giá tăng giảm thất thường mức 45.000-50.000 đồng/kg chỉ vì phụ thuộc vào hàng chạy chợ qua Trung Quốc. Trong khi mít Thái có lúc chỉ còn 10.000 đồng/kg, thậm chí có nơi 5.000-6.000 đồng/kg. Riêng hàng thanh long bất ngờ "chết đứng", có người đóng hàng vào container xong sắp chuyển bánh nhưng thương lái Trung Quốc báo ngừng mua.
Dân đóng hàng trái cây bán đi Trung Quốc thừa nhận, nếu gặp rủi ro đành chịu như chấp nhận cuộc chơi. Nhưng suy cho cùng chỉ vì một số nông dân quen cách canh tác cũ dùng phân, thuốc chăm bón cây trồng sao cho trái đẹp bán cho thị trường tiêu dùng dễ dãi. Còn thương lái mua bán tiểu ngạch khi nhận được tin đầu mối thương lái Trung Quốc đặt hàng thì quầy quả lo thu gom hàng từ các nhà vườn. Trong khi vườn cây chưa cấp mã số (code), nhà vườn chưa ghi chép sổ sách, chưa chú trọng làm vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ĐBSCL và tỉnh Bình Thuận có 5 loại trái cây rải vụ: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn. Với hơn 59.300ha vườn trái cây rải vụ trên tổng diện tích hơn 122.300ha, chiếm 56% tổng diện tích thu hoạch, tổng sản lượng trái cây rải vụ đạt trên 1 triệu tấn, chiếm trên 56% tổng sản lượng. Hiện nay diện tích và sản lượng rải vụ: Thanh long chiếm 65,4% diện tích và 64,6% sản lượng; xoài 46,4% diện tích và 34,1% sản lượng; sầu riêng 57% diện tích và 57% sản lượng; chôm chôm 75,8% diện tích và 63,1% sản lượng; nhãn 43,4% diện tích và 43,4% sản lượng. Trồng trái cây thu hoạch rải vụ tiêu thụ giá cao, hiệu quả sản xuất cao hơn và giảm áp lực đầu ra cho mùa trái chính vụ. Hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn chính vụ 1,5 đến 2 lần. |
Trái cây ngon miền Tây chào hàng.
Hệ quả bán trái cây tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc như đi theo lối mòn. Mới đây cánh cửa bán hàng tiểu ngạch sang thị trường này gần như đóng sập. Thị trường Trung Quốc yêu cầu các điều kiện nhập khẩu chính ngạch phải đáp ứng về chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Điều này nhiều nhà vườn đã làm, bằng chứng có nhiều loại trái cây đã xuất vào thị trường Mỹ, Nhật, EU… Song, vì sao sản lượng hàng trái cây ngon lành chưa tăng lên?
Mở cửa thị trường trái ngon
Anh Nguyễn Hoàng Cung, Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) chuyên kinh doanh hàng trái cây sinh thái, cho biết: Công ty đang cung cấp hàng trái cây tươi qua 2 kênh: Cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng liên kết và trực tiếp xuất khẩu chính ngạch xoài, sầu riêng sang Trung Quốc, Nhật Bản và mít Thái hiện xuất sang Hàn Quốc. Anh Cung cam đoan nhà vườn miền Tây hoàn toàn đủ khả năng sản xuất đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiện đã có nhiều địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn làm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Từ mấy năm qua, Công ty Đại Thuận Thiên hình thành được mạng lưới liên kết với hơn 400 nhà vườn với khoảng 500ha vườn cây ăn trái đáp ứng theo các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Mong muốn có nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái bài bản, thực lòng để nâng cao chất lượng làm hàng trái cây ngon lành thì không lo gì mất giá, khó bán. Mặc dù số nhà vườn tham gia vào các hợp tác xã sản xuất trái cây ngon xuất khẩu càng nhiều, nhưng nhu cầu thị trường cao cấp đang tăng cao. Trong khi lượng trái cây đạt chuẩn chưa đáp ứng.
Hiện nay trong các tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn trong vùng ĐBSCL, Sóc Trăng đang phát huy thế mạnh hơn 29.000ha vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh dọc theo bờ Nam sông Hậu. Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, cho biết: Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái, vừa qua từ nguồn vốn của dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái đặc sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ, hình thành vùng trồng xuất khẩu. Đến nay, mô hình VietGAP trên cây ăn trái của Sóc Trăng duy trì trên 265ha của 292 hộ với các loại cây trồng như: Cam sành, cam xoàn gần 100ha; nhãn tiêu da bò gần 50ha; mãng cầu gai gần 40ha; xoài cát chu gần 45ha; bưởi da xanh 11,5ha; vú sữa trên 32ha. Hiện nay trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP được liên kết tiêu thụ khá tốt, như: Cam sành (Ba Trinh), mãng cầu (Ngã Năm), vú sữa (Kế Sách), Xoài (Kế Sách). Tỉnh Sóc Trăng xây dựng 3 mã code vùng trồng vú sữa, với diện tích 46,4ha của 44 hộ cho 2 Tổ hợp tác và hợp tác xã ở xã Xuân Hòa và Trinh Phú, huyện Kế Sách liên kết tiêu thụ sản phẩm với 2 công ty Chánh Thu (Bến Tre) và công ty Vina T&T (TP Hồ Chí Minh) xuất khẩu sang Hoa Kỳ với sản lượng 32,5 tấn. Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu bưởi, 3 mã code vùng trồng cho xoài, 3 mã code vùng trồng cho cây nhãn và 4 mã code vùng trồng cho cây vú sữa; xây dựng 2 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP cây bưởi và vú sữa (khoảng 70-80ha).