Giải pháp cho cá tra

Thứ sáu, 30 Tháng 8 2019 11:02 (GMT+7)
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về giá nguyên liệu từ đầu năm đến nay nhưng cá tra vẫn được xác định là đối tượng thủy sản chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ cá tra trong nước và thế giới vẫn rất lớn, vấn đề là làm sao tiếp cận được thị trường, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất - tiêu thụ để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Xuất khẩu vẫn tăng

Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, giá cá tra nguyên liệu thường xuyên ở mức thấp. Hiện nay, giá cá tra mua tiền mặt tại hầm ở TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú, Phú Tân… ở mức 20.500-21.000 đồng/kg (size 800 - 900gr/con), cá trên 1kg từ 20.200 - 20.300 đồng/kg. “Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm đến 40% so năm 2018. Với vốn đầu tư bình quân 24.000 đồng/kg cá tra, coi như người nuôi thua lỗ hơn 3.000 đồng/kg” - ông Trần Văn Lắm (xã Hòa Lạc, Phú Tân) phân tích.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, giá cả thấp ảnh hưởng chủ yếu đến những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa liên kết với doanh nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh (khoảng 1.153ha) thì diện tích liên kết tiêu thụ chiếm 82% (gồm 850ha của doanh nghiệp và 92,5ha của hộ nuôi), còn lại 210,5ha của hộ nuôi cá thể chưa liên kết (chiếm 18%). Nếu 18% này thực hiện liên kết, giúp doanh nghiệp chủ động về nguyên liệu và ký kết trước các hợp đồng xuất khẩu, người nuôi sẽ giảm thiểu được rủi ro về thị trường.

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, diện tích thu hoạch cá tra tăng hơn 5,5% so cùng kỳ, sản lượng cũng tăng 12,5%. Hiện nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động với tổng công suất hơn 230.000 tấn/năm với nhiều sản phẩm đa dạng như: cá tra fillet đông lạnh, cá tra nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm, cắt miếng... 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng cá tra xuất khẩu của An Giang đạt 67.892 tấn, tương đương 161,83 triệu USD, tăng 4,73% về lượng và tăng 3,05% về kim ngạch so cùng kỳ 2019. Thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra của tỉnh mở rộng qua 68 nước, nhiều nhất là thị trường Châu Á (31 nước), kế đến là Châu Âu (21 nước) và Châu Mỹ (16 nước).

Định hướng phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, cá tra vẫn được xác định là đối tượng thủy sản chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020. Qua đánh giá, nhu cầu tiêu thụ cá tra vẫn tăng, thị trường xuất khẩu cá tra luôn mở rộng sang nhiều các nước trên thế giới. “Hiện nay, Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” đang được triển khai tích cực với những kết quả bước đầu là thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất con giống với quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao như: Việt Úc, Vĩnh Hoàn, Nam Việt... Tỉnh cũng đang tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ chọn giống chất lượng của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II. Với chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư tại An Giang đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng nuôi với quy mô lớn, đảm bảo các điều kiện về môi trường, nuôi theo hướng công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao của tỉnh” - ông Lâm phân tích.

Năm 2019, An Giang đặt mục tiêu sản xuất 420.000 tấn cá tra nguyên liệu (tăng 62.000 tấn so năm 2018), cá tra giống đạt 2,35 tỷ con (tăng thêm 250 triệu con). Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh tăng cường quản lý sản xuất theo quy hoạch, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống và sản xuất thương phẩm, nâng cao chất lượng vùng sản xuất, định hướng nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, ASC…). Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, khoa học - công nghệ cũng như liên kết, tiêu thụ và thị trường. Đối với các hộ nuôi cá chưa tham gia liên kết, tỉnh khuyến khích thành lập các tổ hợp tác hoặc chi hội, tiến tới hình thành các hợp tác xã để điều hành sản xuất theo hướng phân khúc diện tích nuôi phục vụ làm khô cá tra phồng, tiêu thụ thị trường nội địa (liên kết đưa vào các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ...). Đồng thời, tiếp tục mở rộng mô hình nuôi liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, người dân theo nhiều hình thức như: nuôi gia công, cung cấp thức ăn và mua lại sản phẩm... “Tỉnh cũng đang vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành lập chuỗi cung ứng cá tra gắn kết từ sản xuất ương giống đến chế biến xuất khẩu. Các công đoạn đều phải được đào tạo, huấn luyện nuôi an toàn và chất lượng, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đồng bộ và gắn kết các khâu trong chuỗi sản xuất đảm bảo chất lượng” - ông Lâm nhấn mạnh.

Để phát triển ổn định ngành hàng cá tra, An Giang đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra của vùng ĐBSCL. Đây là giải pháp quan trọng để khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới, là nhân tố cho chuỗi ngành hàng cá tra phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế