Mở rộng cánh cửa thị trường EU

Chủ nhật, 01 Tháng 9 2019 15:58 (GMT+7)
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA), vốn đang trong quá trình phê chuẩn, dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với khối kinh tế hàng đầu thế giới.

► Nâng tầm quan hệ giao thương

     Liên minh châu Âu (EU) là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 18.800 tỉ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Khu vực dịch vụ chiếm đến 74,7% GDP của EU, trong khi ngành chế tạo chiếm 23,8% và lĩnh vực nông nghiệp chỉ 1,5%. Với thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000 USD/năm, thị trường có khoảng 516 triệu người tiêu dùng này có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tổng  kim ngạch thương mại hằng năm của EU lên tới trên 3.800 tỉ USD.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Gần 45 tỉ USD là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà nước ta đã xuất sang EU trong năm 2018, với các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện (14,36 tỉ USD), dệt may (4,23 tỉ USD), giày dép (4,4 tỉ USD), thủy sản (1,57 tỉ USD), cà phê (1,53 tỉ USD)... Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 13,8 tỉ USD trong năm này. Về đầu tư, các công ty EU có gần 2.500 dự án với tổng vốn khoảng 44 tỉ USD tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại và giá trị đầu tư giữa Việt Nam và EU được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Dù Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 10 vào EU nhưng chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của khối này. Còn đầu tư của EU vào Việt Nam thậm chí thấp hơn các nước đơn lẻ, như Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký 63,7 tỉ USD, Nhật Bản 56,7 tỉ USD, hay Singapore 47,9 tỉ USD. Việt Nam không chỉ là thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng mà còn là nền kinh tế có độ mở lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt khoảng 480 tỉ USD, xấp xỉ 200% GDP. Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 11 FTA đã có hiệu lực. Đầu tư vào Việt Nam cũng là cơ sở thâm nhập thị trường ASEAN và nhiều quốc gia khác mà Việt Nam đã có FTA, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia, tạo nên một thị trường khoảng 500 triệu người tiêu dùng và GDP lên tới 13.500 tỉ USD. Hơn thế, với những cam kết rộng và trải dài trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Cần Thơ. Ảnh: VĂN CỘNG

Đánh giá tác động của EVFTA và IPA đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn từ nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ: tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chặt chẽ hơn, thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế tiếp cận thị trường EU, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Riêng IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng FDI, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như: công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch và tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, ngân hàng, tài chính... 

► Cơ hội đan xen thách thức

Theo Bộ Công thương Việt Nam, EVFTA sẽ giúp mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng dệt may, giày dép và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vốn là nhóm hàng xuất khẩu chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua sang thị trường EU. 

Trong đó, dệt may được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” vốn được coi là thách thức đối với hàng dệt may Việt Nam thì tại EVFTA, quy tắc này chỉ áp dụng từ vải. Tức là, vải áp dụng cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, EU đã chấp nhận nguyên tắc “cộng gộp xuất xứ”. Ví dụ, EU đã có FTA với Hàn Quốc thì với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam may thành sản phẩm, xuất khẩu sang châu Âu vẫn được áp dụng ưu đãi từ EVFTA. Sắp tới, ưu đãi này cũng được vận dụng tương tự khi EU ký FTA với Nhật Bản. Điều quan trọng là phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU nên nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may về dài hạn. Năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỉ USD, nhưng lượng hàng sang EU chỉ đạt hơn 4,23 tỉ USD. Vấn đề khó khăn là ngành dệt may Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ khi vẫn nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Năm 2018, thị trường EU chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu 16 tỉ USD của ngành da giày. Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP). Cơ chế này cùng với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu. Việt Nam là nước đứng vị trí thứ hai thế giới về sản xuất da giày, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do EU đặt ra để được hưởng thuế suất ưu đãi, trong đó có xuất xứ hàng hóa. Ngành da giày Việt Nam hiện thiếu nguyên phụ liệu, sản xuất nhỏ lẻ và chủ yếu là gia công, không có thương hiệu quốc tế và điểm yếu nhất là công nghệ. 

Nông thủy sản cũng là lĩnh vực tiềm năng xuất khẩu sang EU. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như: hạt điều, cà phê, thanh long, vải thiều… Thị trường EU cũng ưa chuộng các mặt thủy sản của Việt Nam như: cá, tôm, mực, bạch tuộc…

Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý rất khắt khe của EU. Họ yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải chứng minh không chỉ nơi gia công, chế biến mà cả quá trình thu gom nguyên liệu, đánh bắt, nuôi trồng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không vi phạm các quy định về môi trường. Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì phải có xuất xứ gỗ rừng trồng. Cũng chỉ vì nạn đánh bắt bất hợp pháp mà thủy sản Việt Nam đã bị EU “giơ thẻ vàng”. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản. Đây là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ hội cho Cần Thơ và ĐBSCL tăng tốc 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, EU là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản của nước ta, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của ĐBSCL đạt hơn 17 tỉ USD, với nông, thủy sản chiếm trên 60% kim ngạch. Trong đó, EU là thị trường thủy sản lớn nhất, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu. Sắp tới, khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực, giảm từ mức 6-22% hiện nay về 0%. Ngoài ra, EU cũng dành tổng hạn ngạch gạo khoảng 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%... Vì thế, tôm, cá tra, gạo vốn là thế mạnh của Cần Thơ và ĐBSCL sẽ có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang thị trường EU. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam sang đây lần lượt là 838 triệu USD và 235 triệu USD. 

PHÚC NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế