Phát triển bền vững
Ông Olaf Neusser, cố vấn kỹ thuật Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, mức độ sụp lún đất ở ĐBSCL mỗi năm từ 2-5 cm, tập trung nhiều tại các khu vực đô thị ở tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Điều đó thấy rõ nhất trong 4 năm qua (2014-2018), theo số liệu quan trắc sử dụng Radar (dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến) trên 1.000 địa điểm ở khu vực ĐBSCL báo động hiện trạng sụp lún đất mỗi năm với mức độ tăng dần. Qua biểu đồ dự báo mức độ sụp lún đất tại các khu đô thị cao nhất ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và riêng tại TP Cần Thơ sụp lún đất khoảng 3cm/năm. Hiện tượng đất bị sụp lún có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, có tác động từ các công trình xây đập thủy điện ở các nước vùng thượng nguồn sông Mekong dựng lên, lượng phù sa về hạ lưu giảm mạnh. Dự báo có thể giảm đến 50% nếu các công trình thủy điện chặn dòng chính Mekong tiếp diễn. Đồng thời là diễn biến mặn xâm nhập, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức càng đẩy nhanh tiến trình sụp lún nhanh hơn và một khi ĐBSCL đã sụp lún thì không thể bơm dâng lên được…
Hiện trạng ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL cũng là một trong những tác nhân đe dọa đến sự phát triển bền vững của vùng. Nhất là ô nhiễm môi trường từ sản xuất nhiệt điện than. Theo các nhà nghiên cứu, than là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và ô nhiễm nhất. Quá trình đốt than để sản xuất điện sẽ sản sinh ra nhiều chất khí ô nhiễm, gồm: sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2) các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ. Khi đốt than để sản xuất điện, nhiều loại khí độc, kim loại nặng sẽ thoát ra, gây ô nhiễm cho nguồn nước, đất nông nghiệp ở xung quanh các nhà máy nhiệt điện than và gây hiện tượng nóng lên toàn cầu, tạo ra những cơn mưa axít… Ô nhiễm này còn có thể gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch cho đến các bệnh mạch não...
Ông Olaf Neusser cho biết thêm: “Cách giảm nhẹ, hạn chế tình trạng sụp lún đất là phải giảm và hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước ngầm; các cơ quan bộ, ngành cần có biện pháp quản lý, kiểm soát việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tìm biện pháp khác thay thế; hạn chế việc khai thác cát làm xói lở bờ sông; giảm nguy cơ tác động từ môi trường… Đặc biệt, ĐBSCL cần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện các hoạt động thích ứng BĐKH, thân thiện môi trường, góp phần bảo vệ ĐBSCL phát triển bền vững trong tương lai”.
Thời gian qua, Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đã ứng phó BĐKH, sử dụng năng lượng tái tạo có hiệu quả cao ở ĐBSCL. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng, xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất là 99,2MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine gió là 1,6MW, điện năng sản xuất toàn dự án đưa lên lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu KWh/năm. Một dự án được xem là bước đầu thực nghiệm thành công từ nguồn năng lượng tái tạo sạch không ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên. Còn ở Hậu Giang, Nhà máy mía đường Phụng Hiệp cũng đã sản xuất điện sinh khối từ bã mía. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh… bắt đầu thực hiện các dự án mới đầu tư điện gió, tận dụng lợi thế nguồn gió bên bờ biển Đông, đồng thời song hành phát triển điện mặt trời. Tiềm năng mở rộng phát triển năng lượng tái tạo ven biển Đông và biển Tây thuộc bán đảo Cà Mau triển vọng rất lớn…
Nguồn năng lượng dồi dào
Năng lượng tái tạo được sản xuất từ những nguồn liên tục gần như vô hạn, như: năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Chọn lựa sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là một xu hướng mới, thông minh và thực tế chứng minh lợi ích đem lại nhiều ưu điểm thân thiện với môi trường. Nhất là trong bối cảnh ứng phó BĐKH, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, ít làm tổn hại đến tài nguyên và hệ sinh thái của vùng.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH – Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: ở nước ta tổng năng lượng bức xạ mặt trời (BXMT) trung bình từ 1.700-2.500 giờ nắng/năm, cường độ BXMT 4,6 kWh/m2/ngày được xem đạt ứng dụng tốt. Riêng các vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ có số giờ nắng trong năm cao nhất. Hằng năm ĐBSCL đón nhận trung bình 2.200-2.500 giờ nắng, năng lượng BXMT trung bình 4,3-4,9 kWh/m2/ngày. Các kết quả khảo sát cho thấy với hơn 90% số ngày trong năm nhận được từ ánh sáng mặt trời đủ mạnh, đáp ứng vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời. Theo ước tính, lắp đặt một tấm pin mặt trời 1m2 ở vùng này có thể thu 5 kWh điện/ngày. Ngoài ra, Năng lượng gió ven biển ĐBSCL ở độ cao 80m mạnh khoảng 5,5-6 m/s. Tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200-1.500 MW. Đó là chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối dồi dào từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp khoảng trên 23 triệu tấn/năm, trong đó khoảng trên 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, hơn 372.000 tấn bắp và gần 1,4 triệu tấn bã mía…
Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đưa vào hoạt động có hiệu quả cao và góp phần ứng phó BĐKH.
Tại Long An, gần đây ngành công thương đã xin rút lui khỏi các dự án nhiệt điện than, có tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, thu hút thực hiện các dự án năng lượng sạch. Để đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và thay thế cho các dự án trên, địa phương đã xây dựng 15 dự án điện mặt trời (với tổng công suất phát điện 1.329 MW), trong đó có 8 dự án đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch (đã có 1 dự án điện mặt trời hòa vào điện lưới quốc gia, 4 dự án hòa vào điện lưới quốc gia trong năm 2019). Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, khẳng định: “Các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo ở địa phương là nhằm tận dụng chính sách khuyến khích của Chính phủ. Còn đối với dự án nhiệt điện than, do nguy cơ ô nhiễm môi trường cho nên Long An không còn quy hoạch đầu tư dự án bằng công nghệ đốt than nữa. Trường hợp có nhà đầu tư đầu tư bằng công nghệ khí hóa lỏng thì tỉnh vẫn tiếp tục cho tiến hành khảo sát thực hiện… với mục đích hướng đến kết quả bảo vệ môi trường là trên hết”.
Hiện nay ở ĐBSCL và cả Nam bộ nhu cầu tiêu thụ điện chiếm 50% nhu cầu toàn quốc trong khi công suất các nhà máy điện từ các tỉnh phía Nam chỉ chiếm 30% tổng công suất điện cả nước. Việc điều tiết điện qua đường truyền tải Bắc-Nam phải chịu nhiều tổn thất điện năng. Vì vậy muốn đáp ứng nhu cầu điện năng phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng, việc chọn lựa đầu tư, tiếp cận các công nghệ tiên tiến để thực hiện lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp khoa học tiến bộ, khả thi và ứng phó BĐKH, phát triển ĐBSCL bền vững trong tương lai...
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH – Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: Trong 2 thế kỷ qua con người đã khai thác và tiêu thụ tài nguyên trái đất quá mức. Các nguồn tài nguyên tự nhiên gồm khoáng sản, nguồn nước, nhiên liệu hóa thạch, đất canh tác và tài nguyên sinh vật đều ở mức thoái hóa và suy giảm nghiêm trọng. Hậu quả liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và BĐKH. Do vậy con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt là phương án “không hối tiếc”, bởi nó ổn định lâu dài, không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ dầu hỏa, than… và rất ít gây ô nhiễm. Đây là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với BĐKH, phát triển ĐBSCL bền vững dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng.