Nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản

Thứ tư, 18 Tháng 9 2019 14:52 (GMT+7)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến “cạn kiệt” nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là do khai thác quá mức của con người, nhất là việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chất độc hay các ngư cụ và phương pháp bị cấm. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành chức năng TP Cần Thơ đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản...

Nỗ lực bảo vệ

Thời gian qua, người dân ở TP Cần Thơ đã nâng cao nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhờ các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Các địa phương cũng tăng cường các hoạt động tuần tra và giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bắt thủy sản bằng xung điện, chất nổ và các phương pháp bị cấm và có tính tận diệt nguồn lợi thủy sản. Hằng năm, TP Cần Thơ đều tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, với lượng cá giống được thả về sông, rạch từ 8 tấn đến 10 tấn/năm.   

 Theo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đầu năm 2019 đến nay, Chi cục đã phối hợp các địa phương mở 7 lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản với hơn 350 lượt người tham dự; treo hàng trăm băng-rôn tuyên truyền về tái tạo nguồn lợi thủy sản và vận động các tổ chức, cá nhân thả khoảng 508.000 con cá bố mẹ, cá giống bản địa các loại. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình và hoạt động lồng ghép khác, tăng cường tuần tra, vận động người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, Chi cục Thủy sản đã ký kết và triển khai Kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy thuộc Công an TP Cần Thơ trong kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP Cần Thơ.

Người dân ở huyện Thới Lai thu hoạch cá đồng nuôi ao ở ven ruộng lúa.

Qua 8 tháng đầu năm 2019, Chi cục Thủy sản đã phối hợp cơ quan chức năng các quận, huyện tổ chức 44 cuộc tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên các tuyến sông Hậu, sông Cần Thơ, sông Ô Môn, sông Cái Sắn… phát hiện 33 trường hợp vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính 79,7 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng điện trong khai thác thủy sản như: sử dụng điện trực tiếp từ máy phát điện, sử dụng công cụ kích điện.  Chi cục Thủy sản ra quyết định xử phạt 19 trường hợp, với số tiền 57 triệu đồng. Song song đó, Chi cục Thủy sản cũng đã vận động 38 tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản tự nguyện cam kết không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện và giao nộp 14 bộ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Tuyên truyền thay đổi hành vi

Đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ đạt 5.708ha, đạt 68% so với kế hoạch năm (8.400ha). Hiện diện tích đã thu hoạch là 2.256ha, với sản lượng đạt 119.252 tấn, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 60% so với kế hoạch năm (198.000 tấn). Riêng sản lượng thủy sản khai thác đánh bắt tự nhiên là 3.102 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 78% so với kế hoạch. Tính chung tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đến tháng 8-2019 của TP Cần Thơ đạt 122.354 tấn, bằng 93% so với cùng kỳ, đạt 61% so với kế hoạch năm.

Nhờ tăng cường xử lý các trường hợp dùng xung điện và chất độc để khai thác, đánh bắt thủy sản mà  nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên tại nhiều nơi được bảo vệ và có dấu hiệu phục hồi tốt. Đồng thời, góp phần tạo sự an tâm cho người dân trong phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Đặc biệt là nuôi cá ruộng và tận dụng các mương vườn, ao, hồ và diện tích mặt nước quanh nhà để nuôi các loại thủy sản.

Vụ thu đông 2019, ông Thái Văn Mẹt ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai không sạ lúa mà thả nuôi cá ruộng trên 3 công lúa kết hợp với nuôi vịt. Ông Mẹt cho biết: “Chính nhờ ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt mà các trường hợp dùng siệt điện đánh bắt thủy sản trên sông và lén bắt trong mương vườn và ao, ruộng của người dân đã tạo điều kiện phát triển nuôi cá. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân lén lút dùng xiệt điện để đánh bắt thủy sản vào ban đêm, người nuôi thủy sản vẫn lo, phải thường xuyên canh chừng”. Ông Phạm Thành Nhân ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn cũng cho biết, muốn ngăn chặn tình trạng này, ngành chức năng cần phát huy vai trò quản lý của các tổ, ấp tự quản, cũng như việc kịp thời tố giác các trường hợp sản xuất, cất trữ, sử dụng bộ xung điện để ngành chức năng xử lý ngay.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, hiện nay bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, Chi cục phối hợp chặt với các bên liên quan để có các giải pháp tái tạo và bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo Luật Thủy sản mới sửa đổi và Nghị 42/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực từ ngày 5-7-2019) thì nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản được nâng mức xử phạt rất nặng so với trước đây, người dân cần quan tâm để không vi phạm...

Bài, ảnh: Khánh Trung - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế