Hiệu quả từ mô hình con tôm “ôm” cây lúa, cây khóm

Thứ năm, 19 Tháng 9 2019 16:18 (GMT+7)
Nhờ tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi 1 vụ tôm, trồng 1 vụ lúa; nuôi tôm xen trong ao trồng khóm, nhiều hộ nông dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã vươn lên khá giả.

Nông dân xã Vĩnh Thắng thu hoạch tôm càng xanh.

Theo ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Quao, toàn huyện có diện tích 38.150ha, chiếm 88% diện tích đất nông nghiệp. Gò Quao được phân chia 2 vùng sản xuất rõ rệt, vùng nước ngọt quy hoạch trồng lúa 2 vụ/năm và cây ăn trái, rau màu; vùng còn lại nằm ven sông Cái Lớn quy hoạch trồng 1 vụ lúa, 1 vụ tôm và trồng khóm, dưới ao nuôi tôm. Quy hoạch chung này đã đem lại hiệu quả cho bà con nông dân.

Hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi mô hình tôm-lúa và tôm-khóm là 3.800ha, trong đó tôm lúa 2.400ha và 1.400ha tôm-khóm tập trung ở các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy, Thới Quản, Thủy Liễu và một phần thị trấn Gò Quao.Trước đây khi diện tích đất trồng lúa ở các xã nói trên luôn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên năng suất không cao. Năm 2006, khi có chủ trương chuyển đổi mô hình tôm-lúa và tôm-dứa, người dân bắt đầu có thu nhập dần ổn định, giờ vươn lên khá giàu. Hiện nay, 1ha nuôi tôm (tôm thẻ, sú và tôm càng), trung bình mỗi năm cho nhà nông lãi 50 triệu đồng/2 vụ tôm, cá biệt có hộ lãi 80 triệu đồng; một vụ lúa bình quân 4,5-5,6 tấn/ha. Vụ lúa tuy năng suất không cao, nhưng bán được giá, vì hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng lúa theo hướng bón phân hữu cơ, nhưng quan trọng hơn hết là giữ được đất sạch để thả nuôi tôm lại vụ sau. Khi trồng lúa, sau thu hoạch, gốc rơm rạ còn lại là nguồn hữu cơ rất tốt để giữ đất thêm màu mỡ nuôi tôm vụ sau.

Ông Trần Đức Phi, ngụ ấp Phước Điền, xã Thủy Liễu, cho biết: So với làm ruộng thì quy hoạch nuôi một vụ tôm, trồng vụ lúa lãi cao hơn nhiều. Gia đình tôi có 1,5ha đất, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ tôm, một vụ lúa, sau khi trừ chi phí còn lãi trung bình 120 triệu đồng/năm. Còn ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng, trước đây có 1 ha đất trồng lúa, khi thu hoạch không đủ chi tiêu trong năm. Từ khi chuyển sang mô hình tôm-lúa, mỗi năm cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Nhờ vậy gia đình ông đã thoát nghèo, trả được nợ vay ngân hàng đầu tư ban đầu khi chuyển đổi mô hình nuôi tôm.

Với vùng quy hoạch trồng khóm, nuôi tôm, đa số vùng đất này chịu ảnh hưởng của 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt và đất vẫn còn nhiễm mặn. Vì vậy, khi lên liếp trồng khóm, thì mỗi 1ha khóm chỉ còn lại khoảng 0,5ha mặt nước ao. Nước trong ao, nông dân tận dụng thả tôm sú, sau 3 tháng thì thu hoạch. Trên mặt liếp thu hoạch khóm mỗi 1ha từ 70-80 triệu đồng, nông dân còn thu lãi 20 triệu đồng từ con tôm. Vì vậy, nông dân có “lợi kép” từ mô hình này trung bình 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Liệt, ngụ ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, cho biết: Gia đình có 3ha trồng khóm, kết hợp nuôi tôm sú dưới ao giờ đã khấm khá hơn trước. Mỗi năm, cây khóm cho thu hoạch 1 vụ, tôm cho thu họach 2 vụ, sau khi trừ hết chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng. Với gia đình ông Nguyễn Văn Hận, Đinh Quốc Khánh, ngụ ấp An Phước, xã Vĩnh Phước A, đến nay đã cất được nhà khang trang vài trăm triệu đồng cũng nhờ con tôm “ôm” cây khóm. Theo ông Khánh, ngoài việc thu hoạch lãi từ khóm, tôm hằng năm gần 100 triệu đồng/ha, ông còn nhân giống khóm để bán lại cho bà con vùng U Minh Thượng mỗi năm cũng kiếm thêm vài chục triệu đồng.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Quao, cho biết thêm: Với mô hình con tôm “ôm” cây lúa, khóm nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn khoảng 150ha ở xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy, Vĩnh Phước A, người dân vẫn không theo đúng quy trình sản xuất theo vụ tôm, vụ lúa và tôm, khóm mà nuôi chuyên tôm nên hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, vẫn còn những hộ dân chưa qua lớp tập huấn kỹ thuật nên còn lúng túng trong thực hiện quy trình thả nuôi.

Hướng tới, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng theo quy hoạch và quy trình sản xuất, không thể duy trì mô hình chuyên tôm sẽ làm cho đất bị cằn cỗi, nhiễm bệnh, hiệu quả mang lại không cao. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện các cống, đập ngăn mặn ven sông Cái Lớn phục vụ cho sản xuất vụ tôm, vụ lúa; tiến tới thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất giúp ổn định trong các khâu nuôi trồng cũng như tìm đầu ra ổn định cho nông dân nơi đây.

Bài, ảnh: Phương Anh - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế