Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Cổ phần Xây lắp điện Cần Thơ (phường Trà An, quận Bình Thủy).
Theo quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11-3-2019 của Bộ Công thương, những dự án điện mặt trời ký hợp đồng mua, bán điện trước ngày 30-6-2019, lượng điện thừa không sử dụng hết sẽ được phát lên lưới điện quốc gia và ngành điện mua lại với giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh). Hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm. Còn các dự án ký hợp đồng mua, bán điện sau ngày 30-6-2019, Bộ Công thương đang dự thảo cơ chế giá điện mới. Từ quy định trên, nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật DTE, cho biết, với những lợi ích từ việc lắp đặt điện mặt trời áp mái nên công ty rất muốn đầu tư, nhưng việc lắp đặt từ 3-5 kWp thì gần như chỉ phục vụ đủ cho nhu cầu hộ gia đình, còn nếu muốn kinh doanh thì việc lắp đặt phải ở quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, để đầu tư lớn ông Toàn còn băn khoăn về chính sách mua bán điện giữa khách hàng và công ty điện lực có ổn định lâu dài, bởi theo tính toán, mất khoảng 5 năm mới hoàn vốn thiết bị lắp đặt.
Ông Dương Quốc Phong, ngụ tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho rằng, sau khi được tư vấn lắp đặt điện mặt trời áp mái tôi thấy hợp lý và dự tính sẽ lắp đặt 3 kWp, sản lượng điện tạo ra dự kiến khoảng từ 400-450kWh. Theo ông Phong, nếu tính theo giá điện cũ, trừ số điện năng tiêu thụ của gia đình, hằng tháng sẽ dư khoảng 700.000 đồng. Tuy nhiên, do là đối tượng lắp đặt sau ngày 30-6-2019 nên đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành giá điện mặt trời mới, do vậy ông còn cân nhắc có nên đầu tư để lắp đặt thiết bị vào thời điểm này.
Theo ông Lê Quốc Nam, Khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, gia đình ông đã đầu tư gần 120 triệu đồng lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái với dung lượng 5,5kWp. Sau 2 tháng hoàn thiện và phát bán điện cho ngành điện, nhưng cũng do lắp đặt sau ngày 30-6-2019, tức chưa có giá điện mới, nên số điện đang được Công ty Điện lực TP Cần Thơ ghi nhận để chờ khi có giá điện mới sẽ thanh toán sau. Vì vậy gia đình tôi đang băn khoăn vì chưa biết giá điện mới sẽ được tính ở khung giá nào. Hy vọng giá điện mặt trời áp mái mới sẽ tính bằng hoặc hơn giá cũ để người dân yên tâm và tiếp tục ủng hộ chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời. Cùng quan điểm với nhiều khách hàng đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Hoàng Hải, ngụ tại địa chỉ số 27, đường Nguyễn Đệ, quận Ninh Kiều cho rằng, mặc dù đến nay tôi chưa được thanh toán tiền điện dư bán cho điện lực, nhưng hy vọng Bộ Công thương sẽ xây dựng phương án giá điện mặt trời áp mái hợp lý để người dân đầu tư điện mặt trời áp mái không bị thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), cho biết: Tính đến cuối tháng 8-2019, tại 21 tỉnh, thành miền Nam, tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái khách hàng đã lắp đặt là 121.272 kWp, đạt 127% so với kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao (95.000 kWp). Hiện đã có 5.982 khách hàng đã lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện dư từ hệ thống điện mặt trời áp mái phát vào hệ thống điện chung. Sản lượng điện phát lên lưới đạt 14.557.084 kWh. EVN SPC đã thanh toán tiền điện mặt trời cho 2.948 khách hàng, với sản lượng thanh toán là 7.620.128 kWh, số tiền 17,15 tỉ đồng.
Được biết, Bộ Công thương cũng sắp trình Chính phủ với đề nghị giữ giá điện mặt trời áp mái 9,35 cent/kWh như hiện tại đến hết năm 2021. Lý do đề xuất áp dụng một giá 9,35 cent cho các dự án điện mặt trời áp mái trong 3 năm tới, Bộ Công thương lý giải, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất. 3 năm qua, đã có 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45 MW. Sau khi Bộ Công thương bãi bỏ quy định bù trừ sản lượng, áp dụng cơ chế 2 chiều, nhà đầu tư có quyền đầu tư điện từ lưới điện và bán lại toàn bộ lượng điện sản xuất được cho EVN, điện mặt trời áp mái tăng trưởng ngoạn mục.