Ứng phó lũ “cực đoan”
Theo Ủy hội sông Mekong, mùa lũ năm 2019 ở ĐBSCL nhiều cực đoan, nước lũ về ít, thậm chí khả năng năm nay ĐBSCL sẽ “mất mùa” từ nguồn nước lũ đem đến là rất cao. Cụ thể, đến nay đã hơn nửa tháng 9, nhưng ở trạm Tân Châu, mực nước được ghi nhận vào sáng 19-9-2019 đạt mức 3,4m và dự báo đến ngày 21-9-2019 đạt 3,5m. Mực nước hiện tại thấp hơn trung bình nhiều năm được ghi nhận tại thời điểm ngày 19-9 là 3,68m, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với mực nước để đạt lũ là 4,5m. Còn ở trạm Châu Đốc, mực nước ghi nhận vào sáng 19-9-2019 đạt 2,84m và dự báo đến ngày 21-9-2019 đạt mức 2,9m, thấp hơn trung bình nhiều năm ghi nhận tại thời điểm ngày 19-9 là 3,18m và thấp hơn so với mực nước để đạt lũ là 4m... Tình hình thiếu phù sa, khô hạn sẽ xảy ra và có khả năng ảnh hưởng vụ mùa sản xuất lúa đông xuân sắp tới rất cao. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Trong bối cảnh nước lũ ở ĐBSCL về trễ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm, Cục Trồng trọt lên kế hoạch xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2019-2020, nhằm “né” hạn, mặn có thể xảy ra trong mùa khô 2020. Trong đó, chú trọng xuống giống theo từng khu vực, từng vùng, đồng thời khuyến cáo sử dụng loại giống chất lượng, chịu mặn, chịu hạn cao…”.
Để ứng phó với mùa lũ muộn, cực đoan đã được dự báo, từ tháng 7-2019, Bộ NN&PTNT cho biết tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2020 sẽ diễn ra gay gắt hơn những năm trước, đồng thời chỉ đạo các địa phương kết thúc thu hoạch sớm vụ lúa thu đông 2019 nhằm triển khai xuống giống và thu hoạch sớm vụ đông xuân 2019-2020. Theo đó, thời gian bắt đầu gieo sạ vào tháng 10-2019 ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL và thu hoạch vào tháng 1-2020, tức trước khi nước mặn lên cao, xâm nhập nội đồng. Vụ đông xuân 2019-2020 sẽ tăng diện tích xuống giống sớm (trong tháng 10-2020) cao hơn cùng kỳ khoảng 150.000-200.000ha, tức kế hoạch xuống giống trong tháng 10-2019 tại ĐBSCL phải đạt 350.000-400.000ha.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Sau khi xảy ra đợt hạn, mặn năm 2016, thì hệ thống công trình thủy lợi của ĐBSCL đã có đầu tư nâng cấp, tu bổ mới cũng như hệ thống kênh nội đồng đã được nạo vét. Mùa lũ về muộn, nước đổ ít nên khả năng khô, hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 ở ĐBSCL là rất cao. Để ứng phó khô, hạn, mặn xâm nhập, Cục Trồng trọt đã in ấn các tài liệu sử dụng nước cho cây lúa, cây ăn trái và sắp tới sẽ cho in thêm tài liệu sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản và những thông tin tổng quan về tình hình hạn, mặn của năm 2020 gửi cho bà con nông dân, đơn vị chức năng ứng dụng, phòng tránh…”.
Giải pháp lâu dài
Hiện các địa phương ở ĐBSCL cũng đang chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp, bất thường khi mùa lũ về muộn, cực đoan và phòng tránh tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt và lâu dài. Điển hình ở tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cho các huyện và các sở ngành mở cuộc vận động toàn dân trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, để dành sử dụng cho những tháng mùa khô, nhằm tránh lặp lại trường hợp thiếu nguồn nước ngọt như đợt hạn năm 2016. Mới đây, ngày 3-8-2019, hồ chứa nước ngọt được đầu tư xây dựng ở huyện Ba Tri với tổng kinh phí 85 tỉ đồng đã đi vào hoạt động. Hồ chứa nước có chiều dài 7km, với sức chứa hơn 800.000m3 nước. Lượng nước này đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong khoảng 6 tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri.
Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tăng cường công tác nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Sóc Trăng cũng chủ động triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương nhằm trữ nước, phục vụ sản xuất lúa hè thu muộn và rau màu của bà con. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa hệ thống đê bao ven biển, ven sông. TP Cần Thơ cũng đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả…Đồng thời, TP Cần Thơ cũng ban hành nhiều văn bản, công văn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các quận, huyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng nhằm mục đích điều tiết dòng chảy, dự trữ nước… Từ đầu năm 2019 đến nay, TP Cần Thơ đã nạo vét kênh mương với tổng khối lượng 255.284m3, đạt gần 90% so với kế hoạch; thực hiện nâng cấp, sửa chữa đê bao, đường giao thông nông thôn với 13.447m; gia cố đắp đê bao 73.227m3; gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; dọn cỏ khai thông dòng chảy 30.120m... Tổng kinh phí thực hiện 35,467 tỉ đồng do dân đóng góp và các nguồn vốn khác; tổng diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 13.000ha...
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu, cho biết: “Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL, ứng phó những bất thường, cực đoan như mùa lũ năm 2019, các địa phương trong vùng bắt đầu thích ứng bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi lũ vào được hai vùng này, vùng phía dưới sẽ bớt ngập và bỏ đê bao khép kín, nước có thể vào vườn, như vậy sang mùa khô năm sau đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã chỉ rõ sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng. Còn vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa với chi phí quá cao…”.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, người dân vùng ĐBSCL cần phải thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với tình hình lũ ít, muộn bằng việc tiết kiệm nước trong sản xuất. Nông dân nên chuyển dần canh tác lúa từ 2 đến 3 vụ sang những hình thức canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả thì dần dần mở, bỏ đê bao; điều chỉnh lịch thời vụ; đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng được khô hạn và nhiễm mặn….“Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Ngoài ra, các biện pháp tích trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như dòng chảy… nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng cần được các cấp, các ngành, người dân quan tâm thực hiện” - PGS. TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.