Biến động thị trường
Thu hoạch lúa trong cánh đồng lớn ở Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: N.S
Dự báo đến năm 2030, thặng dư gạo ở Việt Nam đạt từ 6,91-6,97 triệu tấn, con số này ở ĐBSCL vào khoảng 5,84-6,4 triệu tấn. Theo dự báo của OECD/FAO, gạo được dùng chủ yếu làm thức ăn cho người sẽ có mức cầu tăng rất chậm với tổng mức giao dịch thương mại về gạo toàn cầu chỉ tăng khoảng 1,5% trong giai đoạn 2016-2024. Về cung gạo, gạo Việt Nam đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh mới như Campuchia và Myanmar, làm cho thị trường xuất khẩu gạo hẹp đi và có xu hướng kéo mặt bằng giá gạo đi xuống. Dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá gạo của Việt Nam sẽ giảm 10% từ 423 USD/tấn vào năm 2014 xuống còn 380 USD/tấn vào năm 2025. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 48,1 triệu tấn, tăng 0,21% so với năm 2018. Trong khi đó, khối lượng gạo nhập khẩu toàn cầu năm 2019 dự báo đạt 45,2 triệu tấn, giảm 1,53% so với năm 2018. Đây thực sự là bài toán khó cho các quốc gia xuất khẩu gạo.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết: “Gạo là mặt hàng có sự biến động rất lớn về giá cả thị trường. Năm 2018, giá trung bình hơn 500 USD/tấn; sang năm 2019 thì giá trung bình giảm xuống đáng kể. Thị trường Trung Quốc siết chất lượng, kiểm tra truy xuất nguồn gốc chính ngạch đã làm sụt giảm mạnh sản lượng và giá trị (giảm 65% về lượng, 67% giá trị trong 8 tháng năm 2019). Hạn ngạch năm nay của Trung Quốc khoảng 5 triệu tấn, nhưng cũng có thể nhập chỉ 3,3 triệu tấn”. Theo ông Hải, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng, không còn cách nào khác DN phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn, truy xuất nguồn gốc. DN trước đây chỉ thu mua mà không xác định lúa ở địa phương nào, nay cần phải quản lý lại để truy xuất nguồn gốc trên từng cánh đồng, đảm bảo an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo đến năm 2020, châu Á chiếm 60%, châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5%; đến năm 2030, con số tương ứng là 50%-25%-10% và 6%. Sự chuyển dịch về chủng loại gạo xuất khẩu cũng được các ngành chức năng và DN chú trọng. Nếu năm 2015, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 27,8%; gạo trắng cấp thấp và trung bình chiếm 30,8%; gạo thơm 22,7% trong tổng lượng gạo xuất khẩu thì đến năm 2019, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 40%; gạo thơm, đặc sản tăng lên mức 30% và không còn xuất khẩu gạo trắng cấp thấp và trung bình. Dù vậy, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn không tăng, dù sản lượng xuất khẩu liên tục tăng trong cả giai đoạn 2016-2018. Gạo Việt đã xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng vẫn khó đi vào các phân khúc cấp cao, nhất là các sản phẩm chế biến sau gạo.
Thay đổi tư duy và tầm nhìn
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), ước tính: “Để có 1 triệu héc-ta trồng lúa theo mô hình liên kết chuỗi giá trị cánh đồng lớn tại ĐBSCL, cần vốn đầu tư khoảng 70.000 tỉ đồng. DN và nông dân không đủ lực để đầu tư, nhưng chúng tôi không cần ưu đãi, chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện để nông dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng”. Theo ông Phạm Thái Bình, ngành lúa gạo Việt Nam lượng gạo xuất khẩu không sụt giảm, nhưng đầu ra lúa gạo vẫn bấp bênh, nông dân và DN đều khó.
Trên thực tế, mô hình cánh đồng lớn tại ĐBSCL đã phát triển nhiều năm qua nhưng không nhân rộng ra được. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), khẳng định: Các địa phương ĐBSCL thì trải thảm đỏ mời DN đến đầu tư cánh đồng lớn, xây dựng liên kết, còn nông dân tích cực đồng hành. DN cũng rất cần nguyên liệu trong cánh đồng liên kết này, để chế biến xuất khẩu. Cả hai bên đều cần nhau nhưng sao không mở rộng được, nó đang thiếu cái gì? Theo ông Bình, cánh đồng lớn tại ĐBSCL đang thiếu 3 nguồn vốn đầu tư; đó là vốn đầu tư nhà máy sấy lúa, si lô chứa (vốn dài hạn) và tiền thanh toán cho dân khi dân thu hoạch lúa (vốn ngắn hạn). Nếu có vốn để đầu tư ba chuỗi này thì mới mở rộng cánh đồng lớn. Ông Bình cũng cho biết, hiện ngành lúa gạo vẫn chưa hấp dẫn về lợi nhuận với DN, nhưng đầu tư vào ngành lúa gạo vẫn có lời, vấn đề là còn lại là cơ chế từ Nhà nước.
Hiện nay, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở vùng ĐBSCL có quy mô trung bình là 1,29 ha/hộ, tuy lớn hơn các vùng khác (trung bình 0,44 ha/hộ), nhưng diện tích vẫn là nhỏ so với yêu cầu. Điều này vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cơ giới hóa, biện pháp canh tác có quy mô lớn. Mục đích là sản phẩm phải đồng đều xét theo góc độ chất lượng nông sản đối với thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính. Song, các nhà khoa học cũng cho rằng, DN không nên xem thường gạo thị trường nội địa với 96,4 triệu dân. Gạo siêu thị nội địa cũng rất cần vùng nguyên liệu tập trung như vậy, tiến đến yêu cầu truy xuất nguồn gốc không thua kém gì gạo xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu gạo có nhiều yếu tố tác động, như: công nghệ, tín dụng, thị trường. Trách nhiệm của Bộ Công thương là hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ cũng đưa người mua đến với thị trường Việt Nam, để tạo niềm tin cho người mua về quy trình sản xuất gạo của Việt Nam. Nhưng để đi vào chuỗi toàn cầu cần sự thay đổi về tư duy sản xuất, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan”. Thực tế, DN khó khăn về vốn, năng lực quản trị và sự hiểu biết về công nghệ nên chỉ đầu tư vào mua nguyên liệu, xay xát và đánh bóng xuất khẩu mà chưa với được tới phân khúc cao hơn, đó là chế biến sâu. Đầu tư công nghệ cho chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng rất lớn, nhưng tỷ suất đầu tư cao; nên để làm được điều này Nhà nước cần hoạch định chính sách vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích DN trong và ngoài nước có tiềm lực lớn đầu tư.