Tháo gỡ chính sách cho cơ khí Việt Nam đang “chậm lớn”

Thứ tư, 25 Tháng 9 2019 14:39 (GMT+7)
Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn, nhỏ nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí mà nền kinh tế đang cần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những vướng mắc về chính sách.

Toàn cảnh Hội nghị ề các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Vì sao ngành cơ khí “chậm lớn”?

Báo cáo tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra sáng nay (24/9), Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam...).

Tuy nhiên, trên thực tế, các DN cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí mà nền kinh tế đang cần.

Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện – điện tử và cơ khí ô tô – cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.

Phần lớn các doanh nghiệp cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất. Năng lực nghiên cứu, thiết kế còn hạn chế, có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký mới. Trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới.

Phân tích về nguyên nhân, TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, đối với ngành cơ khí bị hạn chế về vốn do vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất cao và không ổn định, trong khi đó vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy ngành cơ khí không thu hút được các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó còn có áp lực cạnh tranh đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn do Chính phủ Trung Quốc có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí xuất khẩu. Trong khi Việt Nam chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa cho ngành cơ khí. Các chính sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong một thời gian dài chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu đối với các sản phẩm cơ khí của Việt Nam.

Về mặt chính sách, TS. Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, chúng ta chưa có định hướng lâu dài, nhất quán về chủ trương nội địa hóa cũng như làm chủ công nghệ trong các ngành công nghiệp.

“Ví dụ, dự án phát triển đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, không hề đề cập đến chương trình nội địa hóa mà mặc nhiên là mua của nước ngoài như vậy sẽ phải chịu giá rất cao. Nếu có chủ trương nội địa hóa, ta sẽ nội địa hóa đến 60%,  làm chủ việc quản lý dự án, chế tạo thiết bị giá thành sẽ giảm rất nhiều.

Ví dụ khác là chương trình nội địa hóa thiết bị nhiệt điện, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1791 để nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện nhưng trên thực tế, các DN cơ khí trong nước bị loại ra khỏi các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện”, TS. Nguyễn Chỉ Sáng nêu.

Một thực trạng hiện nay cũng dẫn đến sự “chậm lớn” của ngành cơ khí đó là do chính các doanh nghiệp. TS. Nguyễn Chỉ Sáng nhìn nhận, các DN cơ khí đầu tư phát triển một cách chủ quan, tự phát, khép kín, thiếu liên kết, thiếu hợp tác, đặc biệt là hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các DN chế tạo với nhau, dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, hiệu quả đầu tư kém, sản phẩm không có tính cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Tháo gỡ bằng chính sách

KS Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, các DN cơ khí đều hiểu rằng, DN phải tự vươn lên để cạnh tranh tồn tại theo điều tiết thị trường của “bàn tay vô hình” nhưng DN luôn luôn cần có “bàn tay hữu hình” của Chính phủ, để làm “bà đỡ” cho DN thông qua hệ thống chính sách như các nước đã và đang thực hiện.

Trước những kiến nghị của DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất các quy định về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước tập trung vào việc nghiên cứu cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất theo hướng các chủ đầu tư sử dụng một tỷ lệ vật tư, thiết bị cơ khí trong nước nhất định sẽ được hưởng các ưu đãi về đấu thầu và các ưu đãi đầu tư.

Đối với một số sản phẩm cơ khí trọng điểm, có quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước. Trong trường hợp dự án có gói thầu có cấu phần xây lắp, khi tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định rõ nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước.

Nghiên cứu việc quy định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa đối với quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu của các dự án. Nghiên cứu việc quy định chủ đầu tư cần đưa điều khoản sử dụng hàng hóa dịch vụ trong nước (bao gồm các thiết bị đồng bộ nằm trong danh mục trong nước sản xuất được) khi đàm phán các Hiệp định về vay vốn thực hiện các dự án. Đồng thời, có chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư không thực hiện quy định về sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước.

Đặc biệt, về việc nội địa hóa các thiết bị nhà máy nhiệt điện vừa được TS. Nguyễn Chỉ Sáng nêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ sẽ cùng với Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg năm 2012 để mở rộng thị trường cho ngành cơ khí chế tạo trong nước các thiết bị các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra, đối với việc phát triển thị trường cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất ô tô nội địa.

Về “nút thắt” xây dựng chính sách ưu tiên về tín dụng cho phát triển cơ khí, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cơ chế ưu tiên cho các DN sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm vay vốn với mức lãi suất tín dụng 3%/năm, thời hạn vay 12 năm, 2 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ vào năm thứ năm hoặc được bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước nếu các DN vay vốn thương mại.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Trong đó, đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm. Đồng thời, đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

Phan Trang - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế