Ngày 25-9, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp cho biết cần thay đổi hình thức ban hành văn bản sang nghị định của Chính phủ, thay vì thông tư như Bộ Công Thương đang soạn thảo.
Nâng cấp lên nghị định
Theo đại diện Bộ Tư pháp, nội dung văn bản chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không thể ban hành dưới hình thức thông tư của một bộ. Với nội dung như vừa nêu, đại diện Bộ Tư pháp ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ.
Quy định về công đoạn gia công đơn giản chưa rõ ràng sẽ khó cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Trong 3 lần gửi các văn bản góp ý về dự thảo thông tư, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra việc cơ quan soạn thảo đưa vào dự thảo khá nhiều nội dung trùng lắp với Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các khoản 1, 2, 3, 4, 7, 9 của điều 3 dự thảo thông tư giải thích lại các từ ngữ đã được quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 9, 15 của điều 3 Nghị định số 31.
Phản hồi những ý kiến của Bộ Tư pháp ngay tại hội thảo, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết ngay từ đầu ban soạn thảo đã đề xuất hình thức nghị định. Do nghị định hướng dẫn luật trong khi chúng ta chưa có luật về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nên Bộ Công Thương đã xây dựng với hình thức là thông tư. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo phát sinh một số vấn đề vượt quá thẩm quyền của thông tư. "Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, sẽ báo cáo Thủ tướng, xin ý kiến các bộ ngành khác về hình thức văn bản" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Về việc trùng lắp nội dung với Nghị định 31, ông Khánh khẳng định dự thảo thông tư xây dựng độc lập với các văn bản khác.
Quy định "gia công đơn giản": Quá đơn giản!
Theo dự thảo thông tư, nếu như hàng hóa chỉ nhập linh kiện, lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ không được ghi "Made in Vietnam". Một sản phẩm bị coi là không vượt qua công đoạn gia công đơn giản khi hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng. Công đoạn gia công đơn giản bao gồm các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển; các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, mác; lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
Bà Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên Bộ Khoa học và Công nghệ, băn khoăn về quy định gia công đơn giản như nêu trên của dự thảo thông tư. "Một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ về nước, sau đó phối trộn, thêm phụ gia để thành một sản phẩm thì có thể ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp phối trộn, thêm phụ gia đã làm thay đổi bản chất hàng hóa. Do đó, không thể gọi là gia công đơn giản nữa" - bà Dương đặt vấn đề.
Cùng quan tâm đến quy định gia công đơn giản, đại diện Công ty TNHH TOTO cho rằng dự thảo thông tư đã "bê nguyên" khái niệm "gia công đơn giản" quy định tại khoản 13, Nghị định 31. "Khái niệm này cần quy định rõ ràng hơn, thế nào là dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng; thế nào là các kỹ năng đặc biệt; cơ quan nào sẽ đứng ra xác định cho DN tiêu chí này..." - đại diện TOTO góp ý.
Một nội dung đáng chú ý khác được giới doanh nhân quan tâm là cơ quan, đơn vị nào sẽ hỗ trợ họ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện ghi nhãn xuất xứ tại Việt Nam? Ông Chu Đình Hoàng, đại diện Công ty CP Devyt, cho rằng hàng xuất khẩu đã có quy định tương đối rõ ràng về tiêu chí, cơ quan xác định hàng hóa đó có đáp ứng xuất xứ Việt Nam hay không. Còn với hàng hóa tiêu thụ tại nội địa, khi DN có nhu cầu thì đơn vị nào hỗ trợ xác định hàng hóa có phải là xuất xứ Việt Nam để được ghi nhãn "Made in Vietnam" thì phải quy định rõ. Ông Hoàng nêu thực tế: "Chúng tôi muốn nhập hạt dẻ cười, hạt điều về sàng lọc, rang xay, chế biến cho hợp khẩu vị người Việt Nam nhưng đến nay chưa dám đầu tư vì không biết có được ghi sản xuất ở Việt Nam hay không. Nếu có đơn vị xác nhận là đủ điều kiện ghi xuất xứ thì chúng tôi đầu tư ngay".
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận dự thảo thông tư chưa rõ ràng về nội dung này và sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện.
Khó chứng minh giá trị chất xám
Đề cập giá trị chất xám để tính hàm lượng giá trị gia tăng mà các DN thắc mắc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận chất xám rất khó đánh giá và nhận dạng. Do đó, những sản phẩm có chất xám với giá trị cao thì thông thường sẽ đăng ký bản quyền cho sản phẩm, sau đó sẽ tính giá trị chất xám, dựa trên một số yếu tố về quyền sở hữu phát minh sáng chế. Đối với một sản phẩm cụ thể, ông Khánh cho rằng nói chung chung về chất xám là rất khó để chứng minh.