Cơ giới hóa nông nghiệp giảm sức lao động, tăng lợi nhuận cho nông dân - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 26/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Cơ giới hóa nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giai đoạn từ 2013 – 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 – 2012). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Sản lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm qua.
Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: Hạt điều, lúa gạo, tôm và cá tra…
Từ năm 2018 đến nay đã có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và triển khai trên cả nước với tổng vôn đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tương lai nông sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc lớn vào công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vưa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp hiện đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4-5,5HP/ha (hiện nay 2,2HP/ha).