Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông và khai thông dòng chảy phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp tới.
Hiệu quả sản xuất
Hiện nay, sản xuất lúa vẫn được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở TP Cần Thơ. 9 tháng qua, 3 vụ lúa trong năm được bà con nông dân tập trung sản xuất và thu hoạch với năng suất cao. Trong đó, vụ lúa đông xuân 2018-2019 xuống giống được 81.283ha, năng suất đạt 6,96 tấn/ha, tổng sản lượng 565.622 tấn, đạt 99,85% so kế hoạch. Lúa hè thu 2019 xuống giống 79.612ha, thu hoạch với năng suất 5,91 tấn/ha, sản lượng 470.837 tấn, vượt 8,14% kế hoạch, tăng 1,12% so cùng kỳ. Lúa thu đông 2019 đã xuống giống 64.248ha, bằng 86,75% so cùng kỳ. Đến nay, lúa thu đông đã thu hoạch 50.994ha, năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Dự kiến cuối tháng 10-2019, bà con nông dân thu hoạch dứt điểm, ước sản lượng đạt 325.564 tấn, vượt 3,98% kế hoạch, bằng 88% so cùng kỳ.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp thành phố đã sử dụng các giống lúa thơm đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và giá trị của hạt lúa, đảm bảo nông dân sản xuất đạt lợi nhuận tốt. Hiện giá lúa thu đông 2019 đang tăng lên, dao động 3.900-5.700 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nuôi trồng thủy sản cũng là 1 trong 2 thế mạnh của ngành nông nghiệp (sau lúa) và phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. 9 tháng năm 2019, diện tích thả nuôi trên địa bàn thành phố 9.669ha, tăng 1% so với cùng kỳ, vượt 14% kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch 2.866ha, sản lượng 165.107 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 83% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 716ha, tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 95% kế hoạch và đã thu hoạch 447ha với sản lượng là 134.294 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ… Hầu hết, diện tích thả nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP... nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm...
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2019, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng gặp khó khăn, như: bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi; biến đổi khí hậu, mưa thất thường, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất; một số địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, nhỏ lẻ; lĩnh vực kinh tế tập thể chưa đáp ứng được yêu cầu; liên kết sản xuất và tiêu thụ ở quy mô nhỏ, chưa thực hiện phổ biến, đa dạng trên các loại hàng hóa nông sản; nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế; nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp...
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Từ những khó khăn trên, Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực và phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị để tập trung thực hiện. Trong đó, chỉ đạo toàn ngành tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch hại tổng hợp trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cung cầu hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực".
Triển khai vụ lúa đông xuân 2019-2020
Sở NN&PTNT thành phố vừa ban hành kế hoạch sản xuất lúa đông xuân 2019-2020, với diện tích 80.170ha. Lịch thời vụ xuống giống gồm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 2-11 đến ngày 8-11-2019 (nhằm 6-10 và 12-10 âm lịch); đợt 2, từ ngày 21-11 đến 27-11-2019 (nhằm 25-10 đến 2-11 âm lịch). Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông các quận, huyện tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ trong 2 đợt nêu trên, vì đây là thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất và phát triển cây lúa. Đồng thời, theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, rầy nâu tại chỗ, kết hợp với chế độ thủy văn để bố trí thời vụ cụ thể cho địa phương. Khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng"; thời gian cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ lúa không tập trung theo lịch khuyến cáo, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ trước khi rầy di trú đến và không gieo sạ "lai rai" để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng…".
Xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2019-2020 đảm bảo an toàn dịch bệnh, bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường là khâu quan trọng mà ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm thực hiện. Trong đó, chuẩn bị giống tốt, sử dụng giống xác nhận, sạch bệnh, có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn... được quan tâm thực hiện; các giống chủ lực được gieo sạ trong vụ đông xuân 2019-2020 như: Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, OM 2517; OM 7347…
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp các quận, huyện hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng trong mùa nước, vận động bà con nhấn chìm lúa chét, cỏ trên ruộng trong nước lũ để không còn nơi cư trú cho rầy nâu, nhằm cắt nguồn rầy khi nông dân tiến hành gieo sạ. Nhất là sau khi thu hoạch lúa thu đông tích cực vận động nông dân trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, tránh lưu tồn, tích lũy mầm dịch bệnh và hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ; khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiêu tiết kiệm nước, công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar) trong quản lý sâu rầy… góp phần mang lại hiệu quả cao trong vụ lúa đông xuân 2019-2020.